Người trầy da, lở loét, rỉ nước hôi tanh chỉ vì thói quen nhiều người làm hàng ngày
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.L 40 tuổi (Trùng Khánh, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng da toàn thân mẩn đỏ ngứa, loét trợt từng mảng, nhiều tổn thương trên da chảy nước, rỉ dịch vàng mùi hôi tanh.
Da tấy đỏ, lở loét của bệnh nhân N.T.L ở Cao Bằng |
Theo bệnh nhân kể, bản thân có tiền sử dị ứng cơ địa, trước khi vào viện 2 ngày bệnh nhân thấy ngứa nhiều nên tự dùng thuốc chống dị ứng ở nhà kết hợp với tắm lá thuốc nam, sau đó bệnh nặng thêm, da toàn thân ngứa ngáy, phồng rộp, trợt từng mảng.
Lúc này bệnh nhân mới đến viện. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Lyell.
Cách đây hơn một năm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 52 tuổi, nhập viện với lý do xuất hiện các ban đỏ và bọng nước rải rác toàn thân kèm theo có trợt niêm mạc miệng và sinh dục và sốt cao 39°C.
Người đàn ông nhập viện Da liễu Trung ương suýt chết vì dị ứng thuốc |
Qua thăm khám, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có các ban hoại tử và bọng nước, trợt da chiếm tới gần 60% diện tích cơ thể, tổn thương kết mạc mắt, niêm mạc miệng, sinh dục. Hỏi kĩ về tiền sử, bệnh nhân kể 2 tuần trước xuất hiện tổn thương, bệnh nhân đi khám làm xét nghiệm có tăng acid uric máu và được chẩn đoán là gout, điều trị bằng thuốc allopurinol.
Theo bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa bệnh da nam giới, bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thuốc thể nặng (Hội chứng Lyell), nguyên nhân là do sử dụng thuốc allopurinol điều trị gout trước đó.
Ngay sau đó, bệnh nhân phải nằm điều trị tích cực tại khoa điều trị bệnh da nam giới khi được bố trí nằm phòng riêng, điều chỉnh thuốc từng giờ theo diễn biến của bệnh. Rất may sau một tháng điều trị tích cực, từ một bệnh nhân nặng nguy hiểm tới tính mạng, các bác sỹ đã giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay thần chết.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi cho biết, hội chứng Lyell (hay còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc) là một bệnh nằm trong nhóm dị ứng thuốc chậm, và cũng là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, tính mạng người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng. Bệnh được đặc trưng bởi sự hoại tử ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) và sau đó trợt loét vùng da này. Hoại tử gây ra bởi hiệu ứng độc hại của các chất gây dị ứng có trong cơ thể, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Tiên lượng của bệnh rất nặng, tử vong chiếm tỉ lệ khá cao; theo thống kê ghi nhận ở Mỹ khoảng 35%, ở nước ta khoảng hơn 50%.
Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc trước đó khoảng từ 1 đến 4 tuần, trung bình là 14 ngày.
Theo BS Ghi, khởi đầu thường đột ngột nhưng có thể có những triệu chứng báo hiệu như sốt cao, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, rát ở kết mạc, đau ở da trong một vài giờ cho đến một hoặc hai ngày sau thì xuất hiện các ban đỏ ngoài da. Thương tổn thường là những đám đỏ, đôi khi trên các đám đỏ có những mụn nước liên kết lại thành đỏ da lan tỏa với các mảng trợt da rộng, chiếm trên 30% diện tích của cơ thể, có trường hợp nặng có thể trợt da toàn bộ cơ thể.
Ngoài tổn thương trên da, bệnh nhân còn có các tổn thương vùng kết mạc mắt có nguy cơ dẫn đến suy giảm thị lực; tổn thương niêm mạc môi, miệng gây đau khiến bệnh nhân không ăn uống được dẫn tới cơ thể suy kiệt và niêm mạc vùng sinh dục.
Đồng thời, khi tổn thương da trợt rộng như vậy, dẫn tới các biểu hiện toàn thân nặng nề, thậm chí là nguy hiểm tính mạng như nhiễm trùng bội nhiễm gây sốt cao, mất nước điện giải, bệnh nhân nằm nhiều tăng nguy cơ viêm phổi bội nhiễm, tổn thương các cơ quan gan, thận.
Bệnh càng nặng khi mức độ trợt da càng rộng, bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh phối hợp, thể trạng suy kiệt, chăm sóc không tốt dẫn đến bội nhiễm… Trong các trường hợp này, tính mạng của người bệnh bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
Các chuyên gia cũng nhận định nguyên nhân gây ra bệnh này là do các nhóm thuốc hay gây hội chứng Lyell là nhóm thuốc điều trị gout (allopurinol), nhóm thuốc điều trị bệnh lý thần kinh (cacbamazebin-tegretol), các nhóm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau chống viêm không steroid và các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc mà người dân sử dụng.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là dị ứng thuốc là do cơ địa của từng người mà gây ra phản ứng với thuốc chứ không phải là do bản thân các loại thuốc trên.
Qua trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo người dân phải cẩn thận khi dùng các loại cây thuốc nam dược để điều trị bệnh, đặc biệt là đối với những người có cơ địa dị ứng.
Trong dân gian việc dùng các loại lá cây đun nước để uống hoặc tắm điều trị ngứa dị ứng là một việc hết sức quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau.
Tuy nhiên việc uống hoặc tắm bằng lá cây thuốc nam đối với những trường hợp có tiền sử dị ứng cơ địa lâu năm là việc cần cân nhắc, thận trọng vì những tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đồng thời việc sử dụng thuốc chống dị ứng cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự mua và sử dụng thuốc. Không bao giờ được dùng lại thuốc đã nghi bị dị ứng. Nếu có một phản ứng dị ứng thì không nên tự động uống thuốc, vì điều này có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề.
N. Huyền