Tội phạm vào viện 'bay lắc', bán ma túy, người tâm thần lang thang gây án mạng: Bác sĩ nói nguyên do
Theo BS Hiển, tâm thần có hàng trăm thể bệnh khác nhau và không phải thể bệnh nào cũng phải điều trị trong bệnh viện. Không phải bất cứ ai có tiền sử tâm thần cũng cần điều trị tập trung.
Tin mới về vụ nữ công nhân môi trường bị sát hại
Trao đổi với PV Infonet trưa 5/4, Thượng tá Dương Văn Hiếu – Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đã bắt được Lê Như Toàn (SN 1991, ở phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) kẻ sát hại nữ lao công và tối 4/4
Vụ việc V.T.H. là nhân viên môi trường dịch vụ đô thị bị nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần tấn công sát hại gây xót xa.
Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố đã tạm giữ nghi phạm Lê Như Toàn (Ninh Bình) để điều tra về hành vi giết người. Theo công an, Lê Như Toàn là người không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.
Thực nghiệm hiện trường vụ việc xảy ra tại Cầu Giấy, Hà Nội. |
Trước đó, câu chuyện xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chưa lắng xuống khi đối tượng là bệnh nhân tâm thần ngang nhiên biến phòng bệnh thành ổ bay lắc, buôn bán ma tuý.
Sau vụ việc này, dư luận nhiều người cho rằng thật thật, giả giả không biết đâu được bởi tội phạm tinh ranh, xảo quyệt thì được điều trị như VIP trong Bệnh viện Tâm thần, còn người tâm thần thật lại lang thang bên ngoài cộng đồng gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Về vấn đề này, trao đổi với PV, BSCK II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau nhưng xảy ra gần nhau khiến người dân cảm thấy bức xúc và họ đặt câu hỏi như trên cũng hoàn toàn tự nhiên.
Bác sĩ Hiển cho biết trường hợp “vô tiền khoáng hậu” bệnh nhân lập phòng bay lắc, bán ma túy xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đúng là gây bức xúc cho xã hội và cần chờ cơ quan công an điều tra làm rõ.
Nhưng với trường hợp xảy ra tại Cầu Giấy, Hà Nội như trên, bác sĩ Hiển cho hay, người dân không nên cho rằng cứ bệnh nhân tâm thần là phải ở trong bệnh viện tâm thần, các trại tâm thần tập trung.
Bệnh tâm thần có hàng trăm thể bệnh khác nhau chứ không phải thể bệnh nào cũng phải ở trong bệnh viện tâm thần thì không có bệnh viện nào đủ. Trường hợp bệnh nhân bị tâm thần ra ngoài xã hội có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không được truy tố đa phần là bệnh nhân bị tâm thần phân liệt.
Để đánh giá một người có phải tâm thần hay không cần đầy đủ một hội đồng giám định y khoa tâm thần chứ không thể dựa vào sổ tâm thần hay biểu hiện tâm thần mà đánh giá bệnh nhân có tâm thần.
Việc điều trị bệnh nhân tâm thần từ trước tới nay khi bệnh nhân điều trị một thời gian ổn định bệnh, bệnh nhân sẽ được đưa về nhà điều trị ngoại trú hoặc chuyển xuống các phòng bệnh tâm thần cấp huyện, quận.
Tại TP.HCM, bác sĩ Hiển cho biết mạng lưới điều trị bệnh tâm thần rất tốt. Bệnh nhân sau khi bị bệnh tâm thần điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM một thời gian nếu về thì Bệnh viện sẽ gửi bệnh án tóm tắt của bệnh nhân cho phòng khám sức khoẻ tâm thần của quận, huyện. Nếu bệnh nhân cần điều trị ở tuyến huyện, tuyến quận sẽ được tiếp tục điều trị. Trường hợp có thể điều trị tại phường, xã thì tuyến trên sẽ bàn giao cho địa phương điều trị đồng thời quản lý bệnh nhân.
Trường hợp của Lê Như Toàn, BS Hiển cho rằng, cần giám định bởi hội đồng chuyên môn để xác định bệnh nhân bị thể tâm thần phân liệt hay không.
Những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt hết sức đa dạng, chủ yếu là những triệu chứng phản ánh một quá trình chia cắt giữa các thành phần khác nhau của hoạt động tâm thần như: người bệnh có những ý nghĩ lạ lùng, không phù hợp với thực tế gọi là hoang tưởng hoặc thấy những hình ảnh, nghe những tiếng nói không có trong thực tại gọi là ảo giác; có những hành vi kỳ dị, khó hiểu, cảm xúc ngày càng khô lạnh, mất dần liên hệ với thế giới chung quanh và sống tách rời trong thế giới độc đáo, riêng biệt của mình gọi là thế giới tự kỷ; một số trường hợp có thể trở nên bị mất trí.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), khoảng 8%-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần.
Tuy nhiên, không phải 100% số người mắc được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.
Khánh Chi