Tổ chức hội nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Đồng chí Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tham dự và trực tiếp phổ biến các nội dung tại Hội nghị, cùng tham dự có các đồng chí trong đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh tham dự Hội nghị có Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Thông tin truyền thông, Hội Nông dân. Đại diện lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, thị xã ven biển. Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn có tàu hoạt động trên biển. Các Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá và các tổ trưởng tổ đồng quản lý nghề cá trong tỉnh.
Hội nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và phổ biến một số quy định về luật thủy sản 2017. |
Tại Hội nghị các đại biểu đã được đồng chí Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phổ biến 2 nội dung quan trọng bao gồm: các quy định và giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) để khắc phục thẻ vàng cảnh báo của Châu âu về ngành khai thác thủy sản Việt Nam; Phổ biến một số nội dung mới trong Luật Thủy sản 2017.
Đối với việc Khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu âu, bên cạnh sửa đổi các quy định về khai thác thủy sản (cấp trung ương) thì các địa phương cần chủ động thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 45/CT-CP của Chính phủ. Đặc biệt là phải tuyên truyền, giám sát chặt chẽ các tàu cá khai thác trên biển.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tàu các vi phạm như: khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, khai thác ngoài vùng cấp phép, khai thác sai theo giấy phép đăng ký…
Từ nay đến cuối tháng 5, đoàn của Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra để đánh giá việc khắc phục của phía Việt Nam. Vì vậy để nghị địa phương khẩn trương thực hiện tốt.
Các ngư dân hiện đang sử dụng xung điện, tàu giã cào để khai thác hải sản vẫn còn nhiều tại vùng biển Hà Tĩnh. |
Đối với Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 06/02/2018 về việc Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tổng thể nghề cá và tuyên truyền về pháp luật thủy sản năm 2018.
Hiện nay tỉnh đã thành lập Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Tất cả các tàu thuyền hoạt động trên biển phải có giấy đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng, Sổ danh bạ thuyền viên và các thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi... Lắp đặt thiết bị định vị và phải thường xuyên bật thiết bị, số ghi nhật ký, lịch trình hàng hải và khai báo với cơ quan chức năng khi ra khơi và khi cập cảng… Thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác thủy sản trái phép để khắc phục “thẻ vàng” của ủy ban châu Âu vừa là khó khăn thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản Việt Nam để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề khai thác bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo môi trường.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin một số điểm mới trong Luật Thủy sản 2017. Luật gồm 9 chương 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003. Luật Thủy sản 2017 đã quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
Việc quản lý tàu cá cũng thay đổi, chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm. lồng ghép các quy định về IUU, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.