Tình hình Syria mới nhất ngày 6/1
IS sử dụng vũ khí hóa học tại Syria? |
Tấn công bằng chất độc hóa học
Giám đốc Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov ngày 5/1 cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Ông Ulyanov cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về việc các thành phần của chất độc sarin được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria, sau khi dẫn bằng chứng từ phía Ankara.
Các chuyên gia thuộc Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học (OPCW) tìm thấy dấu hiệu cho thấy một số người dân Syria đã bị nhiễm độc khí Sarin hay một loại độc dược tương tự đang được sử dụng tại Syria.
Điều này được đưa ra trong báo cáo hàng tháng của Tổng giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu (báo cáo này nằm trong danh sách tài liệu được công bố thường kỳ của LHQ).
Các chuyên gia đã đi tới kết luận này sau khi điều tra 11 trường hợp bị nhiễm khí độc hại tại Syria.
Báo cáo cho biết: “Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể đã tiếp xúc với một số chất kích thích không mang tính ổn định. Trường hợp khác, khi phân tích vài mẫu máu người ta thấy rằng tại thời điểm nào đó người dân đã bị nhiễm chất độc sarin hoặc chất nào đó tương tự”.
Theo các chuyên gia, việc điều tra sẽ chỉ rõ chất nào đang được sử dụng tại Cộng hòa Ả Rập này và có nguy cơ trở thành vũ khí hóa học hay không. Đây không phải lần đầu tiên cụm từ “sarin” được nhắc tới ở Syria.
Các phương tiện truyền thông từng trích dẫn các nguồn tin về việc lực lượng chính phủ và phe đối lập tại Syria buộc tội nhau sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm cả sarin.
Một trong những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học lớn nhất trong lịch sử cuộc nội chiến Syria xảy ra ngày 21/08/2013. Theo báo cáo chưa chính thức, có khoảng 281 đến 1.729 người thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương trong vụ tấn công này.
Liên Hiệp Quốc lắng nghe ý kiến của Nga
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ xem xét vấn đề vận chuyển vũ khí vào Syria qua (biên giới) Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên họp kín.
Ảnh minh họa. |
“Chủ đề vận chuyển vũ khí vào Syria qua biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhấn mạnh trong khuôn khổ hội đàm về các vấn đề chung. Các cuộc tham vấn cũng sẽ được tổ chức theo yêu cầu của Liên bang Nga ", đại diện thường trực của Uruguay tại LHQ Elbio Rosselli cho hay.
Đề xuất này do phía Nga đưa ra. Tháng 12/2015, phó đại diện thường trực của Liên bang Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov tuyên bố, Moscow lên án việc tiếp tục cung cấp và vận chuyển vũ khí vào lãnh thổ Syria thông qua các trạm kiểm soát ngoại vi.
Một phiến quân IS bị bắt giữ cho biết, các chiến binh khủng bố được huấn luyện tại cơ sở ở Adana, một trong những thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo tên khủng bố này, dưới chiêu bài viện trợ nhân đạo và thực phẩm, vũ khí đã được chuyển cho IS trong các xe dân sự tới từ Iraq.
Iran, Ả Rập Saudi đang quấy rầy Syria
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, cuộc xung đột đang nóng dần lên giữa Iran và Ả Rập Saudi có thể làm giảm các nỗ lực trong việc giải quyết tình hình tại Syria.
“Tôi rất hy vọng, tình trạng bất ổn này sẽ sớm chấm dứt, lý trí sẽ chiến thắng, cả Riyadh và Tehran sẽ tập trung vào những vấn đề thật sự quan trọng như: giải quyết các cuộc xung đột vũ trang; tìm kiếm các giải pháp chính trị cho tình hình tại Syria, Yemen và một số nơi khác nhằm phá vỡ mọi vùng đất của phiến quân “Nhà nước Hồi giáo IS”, phương tiện truyền thông dẫn lời Ngoại trưởng Đức.
Cũng theo ông Steinmeier, chính các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Saudi và Iran, phải chịu trách nhiệm với cộng đồng thế giới mà “trong nhiều năm qua luôn tích cực tham gia giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực này".
Quân đội Syria thắng lớn
Tại tỉnh Hama quân đội chính phủ dưới sự hỗ trợ của lực lượng dân quân đã tấn công và đẩy lùi bọn khủng bố ra khỏi làng Al-Mabaudzha (cách Hama 55km). Đã có báo cáo về số lượng thương vong của phiến quân IS. Số còn lại bỏ lại toàn bộ vũ khí, đạn dược và lẩn trốn vào sa mạc.
IS mất dần khu vực kiểm soát tại Iraq và Syria
Liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu cho biết trong năm 2015, phần diện tích do IS kiểm soát đã giảm 40% tại Iraq và 20% tại Syria.
IS đang mất kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. |
Năm 2014, IS đã quét qua 1/3 lãnh thổ Iraq, chiếm được thành phố lớn nhất miền Bắc là Mosul và tới được vùng lân cận thủ đô Baghdad. Lực lượng vũ trang Iraq và người Kurd dưới sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, cùng với dân quân Shi’ite do Iran chống lưng, đã đánh bật được phiến quân IS ra khỏi nhiều thành phố trong đó có Tikrit, Ramadi và phía Bắc của Baghdad.
Trong khi đó tại Syria, IS đang phải chiến đấu với quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm nổi dậy chống lại ông. Ngoài ra, nhóm khủng bố này cũng đối mặt với những đợt không kích từ liên quân Mỹ và máy bay chiến đấu Nga được cử đến để hỗ trợ chính phủ Syria.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ hãng tin Riafan.ru, hãng chuyên đưa tin về hình hình kinh tế, chính trị…các nước, đặc biệt là Ukraine và các nước Trung Đông.