Tiêm vắc xin Covid-19 xong không còn kháng thể có ảnh hưởng không?
Theo các chuyên gia, người sau tiêm vắc xin hay đã từng mắc Covid-19 nếu kháng thể quá thấp hoặc bằng 0 thì cũng không cần lo quá vì cơ chế bảo vệ cơ thể còn từ các tế bào nhớ.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết thời gian qua có rất nhiều người liên hệ bác sĩ tư vấn về xét nghiệm kháng thể sau khi khỏi bệnh Covid-19 hoặc sau tiêm vắc xin để yên tâm đi làm trở lại, bởi họ cho rằng kháng thể cao thì cơ chế bảo vệ cao hơn. BS Khanh cho rằng điều này không đúng.
Bạn cần biết rõ mục đích của việc xét nghiệm kháng thể như thế nào, xét nghiệm để làm gì. Đa số các bệnh truyền nhiễm cũ đều chẩn đoán qua kháng thể như sốt xuất huyết, thuỷ đậu, sởi Rubella... Những người vẫn còn bệnh thì chưa xét nghiệm được kháng thể.
Người đã tiêm vắc xin hay nhiễm bệnh đều tạo ra kháng thể. Kháng thể ít hay nhiều sẽ khẳng định có tái phát bệnh lại hay không đến nay vẫn chưa chính xác, khả năng tái nhiễm rất hiếm.
Hiện nay có nhiều người đã mắc bệnh mà chưa rõ mình đã mắc bệnh chưa. Ví dụ trong nhà có 5 người mà 4 người là F0 thì khả năng người còn lại đã lướt qua bệnh là rất cao. Nếu người đã bị bệnh, xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì không cần làm xét nghiệm kháng thể cho thêm tốn kém.
Ảnh minh hoạ. |
Việc đã tiêm ngừa vắc xin thì có thể người có ít, người có nhiều kháng thể. Người dân đi xét nghiệm định lượng kháng thể là không cần thiết vì có người xét nghiệm kháng thể chỉ đạt 50 (AU/mL), có người được 1000 (AU/mL), điều này chỉ làm người ta lo lắng thêm.
Theo TS Nguyễn Đức Thái – chuyên gia về sinh học di truyền, bản thân ông cũng nhận được chia sẻ của nhiều người hốt hoảng vì tiêm vắc xin xong sau 1 thời gian mất hết kháng thể, điều này hoàn toàn bình thường không đáng lo.
TS Thái cho biết khi tiêm vắc xin vào cơ thể, cơ thể con người sẽ được bảo vệ bởi 4 yếu tố đó là kháng thể, tế bào trí nhớ B, 2 loại tế bào trí nhớ T CD4 và T CD8 và miễn dịch tự nhiên cũng có tác dụng bảo vệ cơ thể trước virus.
Vì vậy, khi tiêm vắc xin Covid-19 một thời gian sau bạn vô tình xét nghiệm kháng thể thấy kháng thể bằng 0 cũng không cần lo lắng quá.
Khi còn ít hay nhiều kháng thể sau khi nhiễm bệnh hay đã được tiêm chủng, các tế bào này có khả năng kích hoạt thành tế bào plasma tạo một số lượng lớn kháng thể để ngăn ngừa và trung hoà virus SARS-CoV-2.
Có nhiều báo cáo của tế bào B về tiềm năng bảo vệ lâu dài cho chúng ta. Ngoài tế bào B có trí nhớ ở trong máu và các hạch bạch cầu (lymph), các nhà khoa học còn tìm thấy tế bào B ở trong tuỷ xương với khả năng tồn tại rất lâu và an toàn.
Có hai loại tế bào B trong tuỷ khả năng ngủ đông. Nhiều năm sau cơ thể chúng ta nhiễm bệnh tế bào B này có thể hoạt động.
Hiện nay, việc lượng định độ bảo vệ của các vắc xin Covid-19 tuỳ thuộc vào đánh giá của các thử nghiệm lâm sàng. Các thử nghiệm này rất tốn kém, lâu dài và cũng nhiều giới hạn. Các thử nghiệm lâm sàng cho biết các tỷ số bảo vệ của các vắc xin so với không tiêm chủng là rất tốt, gồm giảm lây nhiễm, ít nhập viện, tránh trở bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Kháng thể và khả năng bảo vệ theo đánh giá gần đây của Pfizer cho thấy dù kháng thể giảm 10 lần sau 4-6 tháng tiêm chủng lần 2, mức độ bảo vệ chỉ giảm từ 91% xuống 77% nhưng vẫn còn vai trò của tế bào nhớ B, T có thể quan trọng hơn kháng thể.
TS Thái cũng cho rằng nếu bạn lo lắng sự giảm sút kháng thể có thể thay thế bằng thực hiện 5K nghiêm chỉnh hơn, hoặc tiêm tăng cường ở những nước đầy đủ hay dư nguồn vắc xin.
K.C