Thương hiệu cho hàng Việt trong hàng nông sản
Chính vì lẽ đó mà khi một thương hiệu được xây dựng thì nhiều người tìm cách khai thác triệt để. Những thương hiệu như vải thiều Thanh Hà, chè Tân Cương… được gắn cho tất cả những sản phẩm vải, chè… sản xuất ở những vùng khác. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh giá trị kinh tế thì ta thấy một điều rõ ràng là thương hiệu nông sản nổi tiếng gắn với vùng địa lý ngày càng có giá. Những sản phẩm có xuất xứ từ đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cùng loại sản phẩm ở nơi khác. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để giữ vững và bảo vệ được thương hiệu đó để nó mang lại lợi ích thực sự cho người dân.

Thanh long Bình Thuận đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Đức Thanh
Việc đăng ký bảo hộ cho một sản phẩm đã khó nhưng để người tiêu dùng biết đến không phải là dễ dàng. Nhiều nông sản đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng không có dấu hiệu nào chứng minh cho người tiêu dùng tin cậy sản phẩm ấy. Có những nông sản người dân chỉ biết đến với tên gọi mang tính địa phương như: bưởi Diễn, cam Canh, gạo tám Điện Biên, thanh long Bình Thuận… Điều này cho thấy các sản phẩm nông sản ở Việt Nam chưa thực sự có thương hiệu của riêng mình. Khi mà các sản phẩm nông sản còn chưa có chỗ đứng, chưa được người tiêu dùng trong nước biết đến thì rất khó có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài. Trên thế giới, khi nhắc đến một thương hiệu nổi tiếng người ta hình dung ra ngay các sản phẩm của thương hiệu ấy. Do vậy, khi đã xây dựng được một thương hiệu thì việc giữ và phát huy được giá trị lợi ích của nó lại là điều quan trọng hơn rất nhiều. Khi một sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ nó trở thành một sản phẩm trí tuệ, và cần phải khai thác được sản phẩm ấy để nó thực sự trở thành có giá trị.
Theo ông Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam thì việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sẽ chẳng để làm gì nếu chúng ta không phát triển được. Còn theo ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam thì: “Vấn đề ở đây là thương hiệu sống trong lòng người tiêu dùng”. Trở lại với câu chuyện quả vải Thanh Hà ta thấy chỉ dẫn địa lý “Thanh Hà” mang lại giá trị kinh tế cho sản phẩm cao hơn rất nhiều. Nhưng nếu không có cách để bảo vệ thương hiệu ấy, để nó bị lạm dụng trên loại vải kém chất lượng không có xuất xứ từ Thanh Hà thì dần dần thương hiệu Thanh Hà sẽ bị mất.
Mặt khác, nếu không có cách bảo vệ thương hiệu này thì chính người dân Thanh Hà cũng bị thiệt thòi khi mà giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao nhưng người trồng ra nó lại bị thương lái ép giá. Xung quanh câu chuyện thương hiệu nông sản còn rất nhiều vấn đề cần bàn để thương hiệu ấy thực sự phát huy được lợi ích, mang lại giá trị cho người sản xuất.
Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản có uy tín ở hầu hết các địa phương. Đến nay, Cục Sở hữu Trí tuệ đã nhận được 426 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, 75 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và đã cấp 262 nhãn hiệu tập thể, 39 nhãn hiệu chứng nhận, 27 chỉ dẫn địa lý (trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài) cho các sản phẩm nông sản, lâm sản và đồ uống...