Thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan, được truyền hình tiếp tay
Chủ yếu là quảng cáo thổi phồng
Quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công hiệu của nó quá nhiều khiến người dân mù quáng tin vào thực phẩm chức năng. |
Sáng 29/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng” do Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và báo Lao động tổ chức.
Hiện nay, nhiều người dân đang trở thành nạn nhân của thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm chức năng giả. Không ít người phải nhập viện vì dùng hàng kém chất lượng. Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, tồn tại khắp nơi, đặc biệt hay bị lẫn vào hàng xách tay.
Thực phẩm chức năng (TPCN) được đưa vào Việt Nam từ năm 2000, lúc đó một số công ty chủ yếu kinh doanh, nhập khẩu với tên gọi là thực phẩm thuốc (13 công ty với 63 sản phẩm). Theo khảo sát tại Hà Nội có 63% dân số người trưởng thành dùng thực phẩm chức năng và tại TP.HCM có 43% số người trưởng thành dùng TPCN.
Theo khảo sát của Hiệp hội TPCN Việt Nam, hiện nay, sản phẩm này nhanh chóng phát triển tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam đã có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN, bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%.
TS Nguyễn Thanh Phong đã chỉ ra những vi phạm khá phổ biến như: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố. Quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN. Sản xuất TPCN ở mọi nơi, không đảm bảo vệ sinh.
Lỗi cả trên VTV1
Nói về thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng, ông Trần Hùng, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết: Tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ) đang khá phổ biến.
"Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng. Điển hình như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại TP Hà Nội và thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại TP HCM.
Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam, được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
Các vi phạm khá đa dạng: Giả mạo về thành phần, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố, ghi nhãn sai và giả mạo bao bì, xâm phạm sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm về thông tin quảng cáo sản phẩm".
Ông Hùng cho biết, góp phần làm TPCN hỗn loạn như hiện nay là do quảng cáo TPCN quá nhiều, nhất là trên ti vi, đặc biệt là VTV1. Ông Hùng tâm sự: “Mẹ tôi đã 90 tuổi nhưng mỗi khi xem truyền hình quảng cáo các loại thực phẩm chức năng bà cũng muốn mua bằng được. Thực phẩm chức năng được thổi phồng công hiệu trong khi đó bản chất chỉ có giá trị hỗ trợ, bồi bổ dinh dưỡng, không phải là thuốc".
Ông Hùng cho biết, do nhận thức về pháp luật của một số bộ phận người dân và một số tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra trong khi thi hành công vụ.
Một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ và có thói quen thích sử dụng hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng nên vẫn chấp nhận dùng hàng nhái, tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội được “sống”.