Thừa Thiên Huế: Các đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện... được lắp đặt ứng dụng mã QR Code thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Thừa Thiên Huế đạt 20-25%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%...
Thừa Thiên Huế: Các đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện... được lắp đặt ứng dụng mã QR Code thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh minh hoạ). |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có kế hoạch về việc triển khai Đề án thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ áp dụng các hình thức TTKDTM trên địa bàn tỉnh trong các dịch vụ phổ biến; có từ 70-80% số doanh nghiệp TTKDTM trong tổng số doanh nghiệp thanh toán qua hệ thống ngân hàng.
Và các thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ POS, ứng dụng mã QR Code được lắp đặt, triển khai trong thanh toán phí và lệ phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và các Trung tâm Hành chính công huyện, thị xã, thành phố Huế; 100% bộ phận một cửa hiện đại cấp xã, phường tại thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế ứng dụng mã QR Code trong thanh toán phí và lệ phí.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng trưởng bình quân 50- 80%/năm về số lượng và 80-100%/năm về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh internet tăng trưởng bình quân 35-40%/năm về số lượng và giá trị giao dịch. Ngoài ra, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%.
Để hiện thực hóa đề án, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đưa ra các giải pháp về nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại; phát triển các dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh TTKDTM trong khu vực dịch vụ công; hoạt động kiểm tra, giám sát… cũng được chỉ rõ nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động TTKDTM.
Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa ra những định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy TTKDTM của ngành ngân hàng trong năm 2022 như phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh, giải pháp số tiên tiến để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT); phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Châu Khắc Thái, năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch về TTKDTM trên địa bàn, các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử EKYC, phát hành thẻ chip và các thiết bị chấp nhận thẻ chip; trong đó, lưu ý các vấn đề rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán.
Việc tích hợp các giải pháp thanh toán trên ứng dụng Hue-S đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai, hiện nay có VietinBank Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện và đang trong giai đoạn vận hành kiểm thử. Công tác thanh toán đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, các hệ thống thanh toán hoạt động thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của các đơn vị trên bàn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, đến cuối năm 2021, trên toàn địa bàn tỉnh có 218 máy ATM và 1.287 máy POS; số lượng thẻ thanh toán đang lưu hành 1.022.046 thẻ, bình quân đạt 1,1 thẻ/người dân đủ 15 tuổi trở lên.
Ứng dụng mã QR Code được lắp đặt tại các đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện trên địa bàn để thực hiện TTKDTM trong thực hiện dịch vụ. Các chi nhánh NHTM trên địa bàn phát triển nhiều hình thức thanh toán hiện đại. Trong năm 2021, doanh số giao dịch ATM, POS trên địa bàn tỉnh đạt gần 15.600 tỷ đồng với 5.821 nghìn món. Giá trị giao dịch qua mobile banking đạt 59.877 tỷ đồng, tăng 149%; qua kênh internet banking đạt khoảng 53.278 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2020.
Ngoài ra, tổng số doanh nghiệp TTKDTM trên địa bàn chiếm 74,9% trong tổng số doanh nghiệp có tài khoản mở tại ngân hàng. Các thiết bị chấp nhận thẻ POS, ứng dụng mã QR Code được lắp đặt tại 3 trung tâm hành chính công, 9 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 17 trường học trên địa bàn; ATM được lắp đặt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, 13 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 9 trường học trên địa bàn.
Hải Yến