"Thú mỏ vịt" Su-34 - người hùng thầm lặng của Nga tại Syria
Hiện nay, khi đề cập đến máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, không thể không nói đến “gia tộc” Sukhoi Su-27 Flanker. Trong số rất nhiều chiếc Su-27 được cải tiến, máy bay ném bom Su-34 đã trở thành một “dị loại” về hình dạng, chức năng và chưa bao giờ được xuất khẩu.
Máy bay Sukhoi SU-27 Flanker. Nguồn: Sohu. |
Su-34 ban đầu được gọi là Su-27IB (viết tắt trong tiếng Nga nghĩa là ném bom chiến đấu), nó được phát triển vào năm 1986. Nguyên mẫu đầu tiên T-10V-1 (máy số 42) được Không quân Liên Xô bay thử nghiệm vào ngày 13/4/1990 và nếu Liên Xô không tan rã, Su-27IB đã được đưa vào sản xuất từ những năm 1990.
Tuy nhiên, ngay sau chuyến bay đầu tiên của Su-27IB, Liên Xô đã tan rã và nền kinh tế của Liên bang Nga sau độc lập rất khó khăn. Trong tuyệt vọng, Sukhoi chỉ có thể đẩy Su-27IB trong "nuối tiếc" ra thị trường quốc tế. Nguyên mẫu 2 số 43 (sau này đổi thành 343) xuất hiện tại Triển lãm hàng không Paris ở Pháp năm 1993 và đổi tên thành Su-32FN "Rắn biển". Nhiệm vụ chính là tấn công các mục tiêu trên biển, nhưng không nhận được sự quan tâm của bất kỳ quốc gia nào.
Nguyên mẫu số 2 năm 1994. Nguồn: Sohu. |
Su-34 là mẫu máy bay hai chỗ ngồi song song duy nhất trong gia đình Su-27. Thân phía trước đã được sửa đổi rất nhiều, vòm che anten của radar cũng có hình dáng đặc biệt nên phần mũi có hình dáng giống cái mỏ vịt, do đó Su-34 được đặt biệt danh trong Không quân Nga là "Vịt con". Su-34 có thể dễ dàng phối hợp và liên lạc trong nhiệm vụ tấn công mặt đất, nó được sử dụng để thay thế máy bay ném bom chiến đấu Su-24 "Fencer". Một mô hình hai chỗ ngồi song song khác trong gia đình Su-27 là máy bay Su-33KUB thì đã bị chuyển đổi thành máy bay huấn luyện chiến đấu trên hạm.
Về hiệu suất bay, Su-34 có khả năng hành trình hơn hẳn Su-27 hay thậm chí là Su-30. Phạm vi hành trình tối đa của nó đạt 4.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, và có thể tăng quãng đường hành trình lên tới 7.000 km sau một lần tiếp nhiên liệu. Khả năng mang vác vũ khí theo tiêu chuẩn là 8 tấn, nhưng cũng có thông tin cho là 12 tấn. Nếu thực sự là 12 tấn, khả năng mang vác vũ khí của Su-34 đã vượt qua F-15E (11 tấn) và trở thành máy bay ném bom chiến đấu có thể mang vác trọng lượng vũ khí lớn nhất trên thế giới.
Bên trong buồng lái 2 chỗ ngồi song song của Su-34. Nguồn: Sohu. |
Trong "mỏ vịt" của mũi Su-34 là một radar điều khiển hỏa lực mảng pha thụ động V004 độc đáo, hệ thống tấn công Sh-141 được tạo thành từ hệ thống dẫn đường và máy tính điều khiển hỏa lực trên không. Nó có thể bay trinh sát ở nhiều loại địa hình, đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu.
Su-34 có thể sử dụng nhiều loại vũ khí không đối đất, không đối không do Nga sản xuất bao gồm cả tên lửa không đối không tầm trung R-77, R-27ER với tầm tấn công tương ứng là 110 km và 130 km - tốt hơn nhiều so với phiên bản không đối không tầm trung mở rộng (AMRAAM) AIM-120C mới nhất trang bị cho máy bay thế hệ 5 F-35 và F-22 hàng đầu của Mỹ với tầm bắn chỉ 105 km.
Tên lửa R-77 bắt đầu được trang bị từ năm 1993. Nguồn: Sohu. |
Đáng chú ý là, Su-34 được trang bị cả hệ thống radar theo dõi phía sau, ở phần kéo dài của đuôi máy bay có một hệ thống động lực phụ trợ (APU) và anten tác chiến điện tử thụ động. Ở khu vực cuối của cánh máy bay cũng được trang bị một hệ thống gây nhiễu điện tử tự vệ L-175V.
Su-34 với hiệu suất rất tốt đã không được đặt tên chính thức là Su-34 cho đến khi được sản xuất hàng loạt vào năm 2006 tại Nhà máy chế tạo hàng không Novosibirsk mang tên Chkalov. Từ đó đến nay, Nga đã chế tạo hơn 100 máy bay Su-34, và máy bay này chủ yếu được sử dụng để tấn công mục tiêu mặt đất, còn trong các cuộc không chiến tầm gần thì tương đối bất lợi. Hiện tại, Su-34 không có mục tiêu xuất khẩu rõ ràng, và nó vẫn thuộc và loại máy bay không xuất khẩu. Năm 2019 có tin Algeria muốn mua 14 máy bay Su-34 nhưng độ tin cậy của thông tin này không cao.
Máy bay ném bom chiến đấu Su-34. Nguồn: Sohu. |
Sau khi được trang bị cho quân đội Nga, Su-34 vẫn không kịp tham gia Chiến tranh Nam Ossetia 2008 giữa Nga và Gruzia. Phải đến năm 2015, khi Nga chính thức can dự vào cuộc nội chiến tại Syria, Su-34 mới được tham gia, khi đó Su-34 được coi là mới đủ “một tuổi” (Nga chính thức biên chế Su-34 vào năm 2014). Tại Syria, Su-34 đã nhanh chóng loại bỏ được hầu hết các khiếm khuyết nhờ những kinh nghiệm thực tế trên chiến trường và đã phát huy vai trò không thể thay thế của mình.
Su-34 đã lập nhiều chiến công cho Nga khi tiêu diệt hàng loạt các cứ điểm cùng các phương tiện thiết giáp và xe vận tải nhiên liệu của lực lượng phiến quân. Đặc biệt, trong chiến dịch tấn công nhằm vào “thành trì” cuối cùng của phiến quân là Idlib năm 2019, Su-34 liên tục được điều động và làm cho lực lượng phiến quân buộc phải đào thoát khỏi khu vực này.
Máy bay Su-32FN "Rắn biển". Nguồn: Sohu. |
Có thể nói rằng, trước đây “tên tuổi” của Su-34 không được nhiều người biết đến và cũng không có quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm tới máy bay này. Cuộc chiến tại Syria đã góp công lớn cho việc “đánh bóng” Su-34, đến nay, nó đã trở thành một “siêu sát thủ” của Nga tại quốc gia này và cũng là vũ khí chủ lực để Nga hỗ trợ Chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng phiến quân với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch, đến năm 2025 Không quân Nga sẽ tiếp nhận khoảng 200 chiếc Su-34 để thay thế toàn bộ các máy bay ném bom tiền phương Su-24.