Thiếu niên 14 tuổi buộc phải cắt một tinh hoàn chỉ vì lý do này, các bà mẹ đừng bỏ qua dấu hiệu cảnh báo
Đau tức vùng bẹn trái nhưng 3 ngày sau mới đến viện, bệnh nhi 14 tuổi buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn vì đã hoại tử tím đen.
Ngày 9/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi Nhữ Mạnh Q. sinh năm 2008, trú tại thành phố Tuyên Quang trong tình trạng đau tức vùng bẹn bìu bên trái.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn trái, tiến hành mổ cấp cứu ngay.
Thạc sỹ Bác sỹ Ma Ngọc Ba, Trưởng Khoa Ngoại thận – Tiết niệu Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bệnh nhi Q sưng đau bìu trái 3 ngày không đi khám và điều trị do lo ngại tình trạng dịch bệnh Covid. Trẻ đến khám muộn, trong quá trình phẫu thuật thấy tinh hoàn trái bị xoắn 2 vòng, tím đen hoàn toàn.
Kíp phẫu thuật và kíp gây mê đã tiến hành tháo xoắn tinh hoàn trái, dùng nước ấm chườm, phong bế bằng thuốc giúp cung cấp máu lại cho tinh hoàn nhưng tinh hoàn vẫn tím đen không hồi phục. Kiểm tra động mạch và tĩnh mạch thừng tinh hoàn toàn là máu đông. Do vậy đã phải cắt bỏ tinh hoàn trái.
Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi hiện tại đã được chuyển về khoa Ngoại thận – Tiết niệu tiếp tục theo dõi và điều trị.
Trao đổi thêm với phóng viên, BS Hà Đức Quang (Chuyên khoa Nam học), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết, nếu không được cấp cứu, chẩn đoán cũng như xử lý kịp thời thì người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ hoại tử tinh hoàn hoặc biến chứng teo tinh hoàn do thiếu máu nuôi dưỡng.
Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ bên tinh hoàn trái của bệnh nhi vì đã tím đen, hoại tử |
“Tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6-8 giờ, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ còn 10%. Theo Parker, Delvillar có 71 – 80% trường hợp xoắn tinh hoàn bị mất tinh hoàn vì phải cắt bỏ hoặc sau khi phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn vẫn teo”, BS Hà Đức Quang chia sẻ.
Theo vị Bác sĩ chuyên khoa Nam học này, xoắn tinh hoàn được chia làm 2 nhóm chính: xoắn ngoài tinh mạc và xoắn trong tinh mạc.
Đối với xoắn ngoài tinh mạc, dạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu, làm tinh hoàn xoay tự do ở trong bìu. Với trường hợp bị xoắn trong tinh mạc, thường gặp ở thanh thiếu niên (10-20 tuổi).
“Nguyên nhân là do tinh mạc bám cao vào thừng tinh gây nên tình trạng quả lắc chuông, cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh. Đáng lưu ý, tình trạng này gặp ở cả hai bên bìu nên nguy cơ tinh hoàn bên kia sẽ bị xoắn là rất cao”, BS Hà Đức Quang cảnh báo.
Mặc dù đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trên thực tế, có tới 50% xảy ra ở độ tuổi 16 – 21 với triệu chứng xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn, kèm theo đau bìu, sưng bìu, đỏ vùng da bìu tương ứng, đau vùng bụng dưới và nôn.
Tuy nhiên, xoắn tinh hoàn ở lứa tuổi thanh niên có thể chỉ gây đau nhưng không nhiều khiến nhiều nam giới trẻ chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu và thường đến viện quá trễ. Hệ quả của việc điều trị xoắn tinh hoàn muộn sẽ rất nặng nề - tinh hoàn có thể tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Do đó, để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hà Đức Quang nhấn mạnh, nam giới ngay khi thấy có dấu hiệu bìu, tinh hoàn, sưng đỏ,… cần khẩn trương đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt các bác sĩ cũng lưu ý, dẫu diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhưng người bệnh không nên trì hoãn, sợ đến viện khi cơ thể có dấu hiệu bất thường để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
M. Huyền