Bốn anh em rủ nhau nuôi cá tầm dưới chân núi Voi Đầm, mỗi năm thu lãi gần nửa tỷ đồng
Mặc dù mới đầu tư phát triển được 3 năm, mô hình nuôi cá của Hợp tác xã cá tầm Voi Đầm (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đã thu lãi gần nửa tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Khu đất nuôi cá tầm của ông Nhuận rộng hơn 2.000m2 nằm ở cuối xóm Đồng Chuối, ngay dưới chân núi Voi Đầm. Trước năm 2018, trên đất này, người dân chủ yếu trồng keo và một số loại cây khác.
Nhận thấy khu đất có khí hậu mát mẻ, cộng thêm nguồn nước lạnh luôn dồi dào và ổn định, rất thích hợp để nuôi cá tầm, ông Nhuận cùng với 3 anh em của mình là ông Hoàng Văn Trường, Hoàng Văn Kiên và Hoàng Văn Quảng đã bàn bạc và thống nhất cùng nhau tìm hiểu và gây dựng mô hình nuôi cá tầm.
Trước khi bắt tay vào chăn nuôi, 4 anh em cất công đến xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nơi đây có địa hình, khí hậu có nhiều điểm tương đồng với quê hương và đang triển khai hiệu quả mô hình nuôi cá tầm.
Ông Nhuận cho biết: "Sau một thời gian đi học hỏi và tìm hiểu, cuối năm 2018, anh em tôi góp vốn xây 4 bể nuôi cá với tổng diện tích trên 100m2 và mua hơn 3.000 con cá tầm giống thịt trắng và thịt vàng, với giá 20.000 đồng/con về nuôi thử. Sau một thời gian nuôi, chúng tôi thấy cá tầm thích nghi tốt với môi trường sống ở đây và đạt trọng lượng từ 2–2,5 kg/con sau 18 tháng nuôi".
Ngoài nuôi cá tầm, Hợp tác xã còn nuôi thêm các loại cá khác để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa.
Ngay lứa cá đầu tiên nuôi thử nghiệm anh em ông Nhuận đã xuất bán được gần 5 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phi thu được trên 150 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Trường, em trai ông Nhuận chia sẻ: "Tôi nhận thấy nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, quan trọng nhất phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch và nhiệt độ nước trong các bể luôn giữ ở mức dưới 30 độ C thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng tốt.
Thức ăn của cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Về thị trường tiêu thụ, ngoài việc bán lẻ tại địa phương thì các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang sẽ đến tận nơi thu mua".
Từ thành công ban đầu, anh em ông Nhuận quyết định vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để đầu tư nuôi cá tầm với quy mô lớn hơn. Từ 4 bể cá ban đầu, đến nay, mô hình đã có đến 12 bể. Trung bình mỗi lứa nuôi từ 6.000-7.000 con.
Năm 2020, 4 anh em xuất bán được 7,2 tấn cá thương phẩm, thu về gần 400 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ việc nuôi cá tầm, anh em ông Nhuận còn đầu tư xây thêm 3 bể và đào ao để nuôi các loại cá bản địa như: Chép, rô phi, diêu hồng... và mỗi năm xuất bán được gần 3 tấn cá thương phẩm.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháng 3/2020, Hợp tác xã cá tầm Voi Đầm ra đời với 7 thành viên và đều là anh em trong gia đình ông Nhuận.
Nói về mô hình nuôi cá tầm của anh em ông Nhuận, ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến đánh giá: Với sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm anh em ông Nhuận đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.
Mặc dù mô hình mới phát triển được 3 năm, nhưng đã cho thu nhập khá và tạo việc làm nhiều lao động địa phương. Để thúc đẩy việc nuôi cá tầm, năm 2019, Hợp tác xã cá tầm Voi Đầm đã được huyện Võ Nhai hỗ trợ trên 223 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều nơi được đánh giá là có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá tầm. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động, khuyến khích các hộ dân học hỏi mô hình nuôi cá tầm của Hợp tác xã để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ngay tại địa phương.
Người đưa cúc áo Việt vào làng thời trang thế giới
Tôn Văn được "vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa xây dựng với thông điệp: “Đưa thiên nhiên vào thời trang”.
Theo baothainguyen.vn