Từ vụ Alibaba rót vốn khủng vào Masan, bóng dáng tỷ phú ngoại và thương vụ chốt 'thâu tóm' thị trường 96 triệu khách Việt?
Kể từ sau thời điểm 2015 Việt Nam cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, cùng với các chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã tràn vào Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Chỉ trong một thời gian ngắn có hàng chục hãng bán lẻ nước ngoài hiện diện, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam như: Aeon, Lotte Mart, Auchan, Central Group, BigC, Letee Mart, 7-Eleven, Takashimaya, Bibo Mart, GS25, E-Mart, Family Mart… gia nhập thị trường với những kế hoạch đầy tham vọng.
Cho đến nay, hệ thống siêu thị Big C/Go!, siêu thị Lan Chi, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, trung tâm thời trang Rubins, cửa hàng thể thao SuperSports, LookKool, Hello Beauty, HomeMart,… đã hiện diện ở hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam và đều thuộc sở hữu của tập đoàn Central Retail (Thái Lan); Eon Mall (Nhật Bản) cũng không giấu diếm tham vọng tiếp tục mở rộng phát triển tại thị trường Việt Nam; và hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng Circle K (Hoa Kỳ) cũng đang hiện diện ở các đô thị với khoảng 400 cửa hàng;…
Trong bối cảnh đó, những BRG Retail, Saigon Co.op, VinCommerce, Satra,… được xem là “thành trì” cuối của những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây lại cho thấy những ông lớn ngoại quốc luôn sẵn sàng phủ bóng lên những “thành trì” này.
Điển hình như thương vụ Alibaba (Trung Quốc) chi 400 triệu USD cho Tập đoàn Masan để được sở hữu 5,5% cổ phần của The CrownX. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce.
Theo đó, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam. Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng- bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Masan cho biết đồng thời đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam, cho rằng mô hình bán lẻ trực tuyến, kết hợp cho vay tiêu dùng, thanh toán qua app (Shop-Loan-Pay) chính là mô hình Alibaba chuẩn bị cho thị trường Việt. Nó sẽ tác động lớn trực tiếp vào các hãng bán lẻ truyền thống, đặc biệt đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như đồ điện tử, điện thoại.
Theo ông Long nhận định, việc Alibaba rót 400 triệu USD đầu tiên vào The CrownX mới chỉ là vòng đầu tư đầu tiên, sẽ còn các vòng sau nữa với mục tiêu như trong ĐHCĐ của Masan đã công bố chiến lược Point of Life.
Điều đáng chú ý trong thương vụ này, dưới góc nhìn của chuyên gia Phan Lê Thành Long, đó là sản phẩm tài chính nằm trong chuỗi giá trị để chiếm lĩnh và khống chế thị trường tiêu dùng 96 triệu dân ở Việt Nam.
"Vài trăm triệu đô sẽ đổ vào, và có thể hơn nữa, để phát triển hệ thống, chiếm lĩnh thị phần, kết hợp công nghệ, am hiểu dữ liệu người dùng tạo ra lợi thế cạnh tranh”, ông Long cho hay.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng xu hướng này là tất yếu khi thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển về chất, là lúc các gã khổng lồ sẽ gia nhập, khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Thương vụ trên cho thấy bán lẻ truyền thống rồi cũng sẽ phải theo xu hướng kết hợp cùng TMĐT.
Trong khi đó, thị trường TMĐT của Việt Nam vốn được xem là nơi “đốt tiền” của các ông lớn, sau thời gian đua đường dài các doanh nghiệp rơi rụng dần, giờ đây sẽ chỉ còn ít ỏi những 'tay chơi' đích thực.
Còn theo ông Phan Minh Tâm – Chủ tịch Tập đoàn 24H, người từng thất bại với startup thương mại điện tử Deca cách đây 5 năm - Adayroi , Vuivui đều đã rời bỏ cuộc chơi, Sendo và Tiki thì đuối dần, thị trường xem như chỉ còn hai sàn TMĐT do doanh nghiệp Trung Quốc đứng sau là Lazada và Shopee.
Nếu Sendo rời khỏi cuộc chơi, thị trường TMĐT sẽ là cuộc đua tam mã giữa JD (Tiki), Alibaba (Lazada), Tencent (Shopee), cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt và có thể sau 3-5 năm sẽ chỉ còn là cuộc đua song mã.
Ngay sau thương vụ Alibaba rót vốn khủng vào Masan, Thaco gây bất ngờ với thông tin mua lại siêu thị Emart. Công ty TNHH Emart Việt Nam được thành lập cuối tháng 10/2014, siêu thị đầu tiên được khai trương vào cuối năm 2015 tại quận Gò Vấp, TP.HCM với diện tích sử dụng gần 12.000 m2.
Mặc dù vậy, đây không hẳn là một sự rút lui hoàn toàn của đại gia bán lẻ Hàn Quốc. Được biết Emart Hàn Quốc sẽ thu phí nhượng quyền thương hiệu, đồng thời xuất khẩu và bán các sản phẩm mang thương hiệu riêng cho Thaco.
Nguyễn Tuân
Điều khác biệt sau tuyên bố của Chủ tịch Masan về Vinmart
Tại sao Masan đặt mục tiêu đến cuối năm nay 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán thời điểm Masan sáp nhập từ Vingroup?