Ôtô nhập tràn về, giá vẫn chưa giảm
Sức tiêu thụ kém nhưng ôtô nhập khẩu vẫn tăng do nhiều nhà máy trên thế giới bắt đầu trả nợ đơn hàng bị ngưng trệ từ đợt dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 4.761 ôtô nguyên chiếc các loại, tăng 34% so với tháng trước. Riêng xe 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập từ Thái Lan là 1.698 chiếc, tăng 29,3%; nhập từ Indonesia 1.251 chiếc, tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Trong tháng 8, cả nước nhập 8.000 ôtô, tăng hơn 3.000 chiếc so với tháng 7.
Bán tháo xe tồn
Về nguyên nhân lượng xe nhập tăng đột biến trong thời điểm dịch Covid-19 trùng với tháng "cô hồn" khiến sức mua giảm sút, ông Trần Minh Tuấn, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) phân phối ôtô khu vực TP HCM, lý giải sau vài tháng miệt mài giảm giá, tặng quà giá trị đến vài chục triệu đồng... để lôi kéo khách, lượng hàng tồn trong kho đã giảm đáng kể. Do vậy, không ít DN, đại lý nhập thêm xe về để tiêu thụ trong những tháng cuối năm khi nhu cầu được dự báo sẽ tăng. Mặt khác, dịch bệnh khiến nhiều mẫu xe 2020 lẽ ra xuất hiện từ đầu năm nhưng bị ngưng lại và tới thời điểm này mới "trình làng", góp phần làm cho lượng xe nhập về tăng lên.
Sức mua ế ẩm nhưng xe nhập khẩu vẫn ùn ùn về |
Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho hay những tháng đầu năm, lượng xe nhập về rất hạn chế do dịch bệnh khiến các nhà máy trên thế giới đóng cửa hoặc cắt giảm công suất, đơn đặt hàng bị tồn lại nhiều. Đến thời điểm này, do một số nơi tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, các nhà máy vận hành trở lại nên bắt đầu trả nợ các đơn hàng cũ cho khách. "Do sức tiêu thụ giảm sút nên động thái tăng nhập khẩu xe chưa thể giúp đánh giá thị trường hiện nay trong trạng thái tốt hay xấu mà cần theo dõi thêm" - ông Vương nói.
Một nguyên nhân khác là Thái Lan và Indonesia muốn xuất bán ôtô sang Việt Nam nhiều hơn trong thời điểm khó khăn này. Năm 2019, Thái Lan sản xuất hơn 2 triệu xe, Indonesia gần 1,3 triệu xe. Tiêu thụ xe trong nước của Thái Lan chỉ đạt 40%, 60%, còn lại được xuất khẩu. Với Indonesia, tỉ trọng xuất khẩu xe hơi cũng lên tới 30% tổng sản lượng sản xuất. Dịch Covid-19 đã phá vỡ các đơn hàng, khiến sản lượng xe xuất khẩu của Thái Lan giảm hơn 2/3. Tình trạng của Indonesia cũng tương tự.
Các DN ôtô tại 2 nước có sản lượng xe sản xuất lớn nhất Đông Nam Á nói trên đã đề xuất với chính phủ các nước nhiều giải pháp tiêu thụ xe như điều chỉnh thuế, phí, giảm bớt các rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và ôtô nguyên chiếc. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến được các DN ôtô những nước này nhắm tới. "Quy định về nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của Việt Nam đã thông thoáng hơn, như bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu, hủy bỏ kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng, thay vào đó là kiểm tra mẫu và chấp nhận kết quả cho các lô xe nhập cùng loại. Thái Lan và Indonesia được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% cũng là một lợi thế lớn để họ đẩy hàng sang Việt Nam" - chủ một DN nói rõ thêm.
Nhập giá thấp, bán giá cao
Với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn Việt Nam khoảng 20%, giá có xu hướng giảm và hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, liệu giá xe nhập có thật sự cạnh tranh so với xe lắp ráp trong nước?
Tổng cục Hải quan trong tháng 7 và 8 ghi nhận xe Thái Lan nhập về có giá bình quân 378 triệu đồng/chiếc, xe Indonesia có giá bình quân 247 triệu đồng/chiếc. Mức này rẻ hơn khoảng 80-82 triệu đồng/chiếc so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng giảm giá xe thể hiện rất rõ khi trong tháng 6, mức giảm từ 2 thị trường này mới chỉ ở mức 35-60 triệu đồng/chiếc so với cùng kỳ thì nay đã giảm nhiều hơn.
Tuy nhiên, giá xe bán ra thị trường lại cao hơn giá nhập khẩu khá nhiều. Đơn cử, mẫu xe Honda Brio có giá bán ra tại Việt Nam từ 420-450 triệu đồng, Toyota Wigo khoảng 400 triệu đồng, Suzuki Ciaz 535 triệu đồng…, trong khi đây là dòng xe có giá nhập thấp hơn mức bình quân. Như vậy, từ khâu nhập khẩu đến khi bán tới tay khách hàng, mức giá chênh lệch lên đến 100-200 triệu đồng/xe. Giới kinh doanh giải thích nguyên nhân khiến giá xe ngoại bị đội lên là bởi chi phí bán hàng và thuế tiêu thụ đặc biệt hiện còn khá cao. Mặc dù các đại lý bán xe nhập chấp nhận giảm giá bằng cách tặng 50%-100% lệ phí trước bạ để "đấu" với xe lắp ráp trong nước nhưng vẫn chưa đủ để kéo giá xe nhập khẩu xuống.
Đáng nói là dù xe nhập không hẳn tốt về giá nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng bởi quan niệm chất lượng cao hơn so với xe lắp ráp trong nước. Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, cho rằng nếu được miễn, giảm thêm một số loại thuế, giá xe nhập khẩu có thể giảm đến một nửa, sức cạnh tranh sẽ mạnh hơn.
Báo cáo tài chính của Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - DN hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối, sửa chữa và bảo trì ôtô, xe máy - cho thấy doanh thu quý II/2020 đạt 3.107 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15,3 tỉ đồng, lần lượt giảm 29% và hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Savico giảm 27%, lợi nhuận sau thuế giảm 79% so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty CP City Auto (đơn vị phân phối xe Ford và Hyundai tại Việt Nam) cũng gặp khó khăn khi 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 2.151 tỉ đồng, giảm mạnh so với hơn 2.945 tỉ đồng của nửa đầu năm 2019; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 48,6 tỉ đồng. Còn Công ty CP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco) có lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 8 tỉ đồng, giảm 68,5% so với cùng kỳ.
Nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên cả nước từ ngày 1/8
Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Theo nld.com.vn