Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi vẫn có lãi
Giá lợn hơi thấp nhất trong 3 tháng qua, mất 20% giá so với đỉnh dịch. Diễn biến này tác động như thế nào đến người chăn nuôi?
Giá thành sản xuất 1kg lợn hơi tăng 65%
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi gần đây đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất, bình quân ở mức 75.000 - 83.000 đồng/kg.
Cũng theo tính toán của Cục, hiện giá thành sản xuất khoảng 50.000 - 71.000 đồng/kg lợn hơi tùy điều kiện, tăng khoảng 65% so với thời chưa có dịch.
Chi phí để sản xuất lợn hơi tăng tới 65% so với trước khi có dịch, nhưng giá bán lại giảm tới 20% trong vòng 3 tháng qua. (Ảnh: Dân trí)
Chi phí để nuôi 1 con lợn 100kg vào thời điểm này được tính toán như sau:
- Giống: 3,5 triệu đồng; thức ăn: 2,7 triệu đồng; thuốc thú y: 136.000 đồng; chuồng trại: 361.000 đồng; nhân công lao động, lãi suất ngân hàng: 678.000 đồng.
- Tổng chi phí để nuôi 1 con lợn 100kg khoảng: 7,1 triệu đồng.
Vậy tại thời điểm này, giá thành sản xuất 1kg lợn đã là 71.000 đồng/kg, nếu không phải mua giống, con số này là 50.000/kg, cao hơn tới 65% với thời điểm chưa có dịch.
Giá lợn giảm 20%, nhiều trang trại vẫn lãi "khủng"
Chi phí để sản xuất lợn hơi tăng tới 65% so với trước khi có dịch, nhưng giá bán lại giảm tới 20% trong vòng 3 tháng qua. Diễn biến trên có ảnh hưởng như thế nào đến người chăn nuôi?
Những chú lợn béo căng, nằm đợi đến giờ ăn cám, tuy giá lợn có giảm, nhưng đây vẫn là một thứ tài sản tiền tỷ của anh Vang, ông chủ của một trang trại lợn tại xã Tân Bình, tỉnh Thái Bình.
Thời gian vừa qua, trang trại của anh bán ra thị trường khoảng 5.000 con lợn thịt, thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.
Khác với trang trại của anh Vang chăn cám công nghiệp, trại của anh Lâm tự phối trộn sản xuất cám sinh học, nên giá thành sản phẩm còn rẻ hơn, chỉ rơi vào 40.000 đồng/kg. Mỗi tháng xuất chuồng khoảng 100 con lợn thịt, anh vẫn có lãi gấp đôi.
Cũng theo những người chăn nuôi, càng nuôi theo hướng công nghiệp trang trại quy mô lớn thì càng lãi lớn. Trong khi đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ vài chục con vẫn có lãi nhưng không nhiều, vì họ phải mua giống với giá khá cao.
Doanh thu của doanh nghiệp chăn nuôi tăng mạnh
Giá lợn hơi đứng vững ở mức cao từ cuối năm 2019 đến nay đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đua nhau tái đàn. Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt của họ đạt trên 4,88 triệu con, tăng 52,8% so trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi và tăng 46,8% so với đầu năm 2020. Tương ứng với tốc độ tái đàn là con số lợi nhuận cũng nhảy số liên tục, báo những khoản lợi nhuận tăng hàng chục lần.
C.P Việt Nam với tổng đàn lợn 2,6 triệu con, có quy mô áp đảo tại thị trường Việt Nam cũng là cái tên có kết quả rất khả quan. Báo cáo nửa đầu năm của C.P Group cho thấy giá thịt lợn tăng 84% kể từ đầu năm đã giúp cho doanh thu C.P Việt Nam tăng mạnh 35% đạt gần 39.000 tỷ đồng.
Người chăn nuôi mong muốn giá lợn được ổn định, bớt biến động như thời gian qua. (Ảnh: Dân trí)
Một doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại miền Bắc là Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần tăng 40% lên hơn 4.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục hơn 750 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần bán niên 2019.
Dù mảng kinh doanh chính là thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu mảng nông nghiệp trong đó có chăn nuôi lợn cũng tăng 42% trong nửa đầu năm đạt hơn 5.043 tỷ đồng và là mảng có đóng góp lớn thứ 2 chỉ sau thép. Lợi nhuận sau thuế bán niên đạt hơn 841 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ năm 2019.
Nhìn vào những khoản lợi nhuận lớn ở trên có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi: Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ giá lợn tăng mạnh thời gian qua? Câu trả lời không ai khác chính là chủ của trang trại chăn nuôi, là doanh nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên cũng chính người được hưởng lợi này lại mong muốn giá lợn được ổn định, bớt biến động như thời gian qua.
Để tăng đàn, hay giảm đàn thời gian tối thiểu cần 9 tháng, chính vì vậy người chăn nuôi rất cần thông tin về thị trường để đưa ra những quyết sách cho mình. Tuy nhiên hiện nay, người chăn nuôi còn khá mơ hồ trước những thông tin về nguồn cung, nguồn cầu của thị trường thịt lợn. Họ cho rằng muốn cung gặp cầu, hay cung không vượt cầu trong thời gian tới, rất cần những quyết sách, những thông tin kịp thời từ phía các cơ quan bộ ngành.
Giá lợn hơi lao dốc mạnh, người chăn nuôi vừa tái đàn đã thua lỗ nặng
Giá lợn hơi đã xuống dưới mức 80.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, mỗi con lỗ tới hàng triệu đồng.
Theo vtv.vn