Chính thức vận hành phần mềm của FPT tại HOSE từ ngày 5/7
Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn gửi Sở GDCK TP.HCM (HOSE) về việc chấp thuận đưa giải pháp xử lý sự cố giao dịch của CTCP FPT vào vận hành.
Theo nội dung công văn, UBCKNN chấp thuận kiến nghị của HOSE về việc đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE sử dụng phần mềm của Sở GDCK Hà Nội (HNX) do Công ty cổ phần FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) vào vận hành chính thức từ ngày 5/7/2021.
Theo đó, HOSE sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung tại Biên bản kiểm thử với FPT, tổ chức kiếm tra, đánh giá, rà soát kỹ, bảo đảm vận hành hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt; Hoàn tất các thủ tục tiếp nhận hệ thống, cung cấp dịch vụ và ký kết thỏa thuận với FPT trước khi hệ thống chính thức đi vào vận hành.
UBCK cũng yêu cầu HOSE thống nhất với FPT với các nội dung công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông và tổ chức truyền thông về việc chính thức đưa giải pháp xử lý sự cố giao dịch vào sử dụng trên nguyên tắc không tổ chức sự kiện tập trung.
Như vậy, sau 3 tháng kể từ khi Tập đoàn FPT công bố, chỉ cần không quá 3 tháng để có thể xử lý dứt điểm sự cố nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE, Tập đoàn này đã giữ đúng lời hứa với UBCK, HOSE và các nhà đầu tư.
Nếu giải pháp của FPT chính thức đi vào vận hành và phát huy hiệu quả, hệ thống giao dịch trên sàn HOSE có thể coi như “đường lớn đã mở”, tạo động lực để dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán.
Trước đó, ngày 24/6 Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đã bất ngờ xin lỗi nhà đầu tư và mong được thấu hiểu về sự cố nghẽn lệnh trên HOSE nhiều tháng qua.
“Ở cương vị Chủ tịch UBCK, cũng từng đứng đầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi. Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất”, ông Dũng nói.
Chủ tịch UBCK cho biết nguyên nhân bắt đầu từ quá trình nhận thức. “Dự án đầu tư hệ thống giao dịch chứng khoán bắt đầu từ năm 2000, cá nhân tôi và các nhà kinh tế hiểu biết khá nhiều về chức năng của thị trường chứng khoán, cách tổ chức một TTCK, nhưng một hệ thống giao dịch bao gồm những gì và vận hành ra sao thì hồi đó tôi tin rằng ở Việt Nam thời điểm đó không có nhiều người biết”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, khi hình thành ra dự án, một dự án khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm triển khai thực tế. Việc chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và có nhiều nguyên nhân chủ quan, từ phía Cơ quan quản lý nhà nước và HOSE trong quá trình thực hiện dự án không kiểm soát được tình hình và chưa thực sự quyết liệt.
Hiền Anh
Tổng giám đốc HoSE nhận lương, thưởng hơn 840 triệu một năm
Năm 2020, thời điểm còn là Thành viên phụ trách HĐQT HoSE, ông Lê Hải Trà nhận 780 triệu đồng tiền lương cùng với 58,5 triệu đồng khoản thưởng, thu nhập khác.