Thị trường vàng trong nước “tê liệt” vì Covid-19
Các tiệm vàng trong nước đóng cửa hàng loạt trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh, giao dịch và giá vàng cũng gần như “đóng băng” theo...
Giá USD tự do đã giảm mấy ngày liên tiếp, trái ngược với xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Từ đầu tháng tới nay, nhiều doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn tuyên bố ngừng giao dịch tại nhiều địa điểm để phòng chống Covid.
Theo thông tin trên webiste của DOJI, tập đoàn này đã tạm ngưng hoạt động 49 trung tâm vàng bạc trang sức tại các địa phương đang có diễn biến dịch phức tạp từ ngày 19/7, và chỉ duy trì hoạt động của 27 trung tâm vàng bạc trang sức còn lại. Tại Hà Nội, toàn bộ 18 trung tâm của DOJI đều tạm dừng giao dịch.
Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng ngừng giao dịch từ ngày 19/7 cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Công ty SJC tạm ngừng hoạt động nhiều cửa hàng, điểm giao dịch tại Tp.HCM từ ngày 8/7 và chỉ duy trì hoạt động tại trụ sở chính.
Tại “phố vàng” Trần Nhân Tông của Hà Nội, một số tiệm lớn sáng 23/7 vẫn mở cửa giao dịch bình thường. Cửa hiệu của Tập đoàn Phú Quý tại địa chỉ này cho biết vẫn có khách tới giao dịch và cửa hàng thực hiện đầy đủ các quy định về giãn cách để chống Covid.
Giá vàng miếng trong nước từ đầu tuần tới nay chỉ lình xình trong khoảng 57,5-57,6 triệu đồng lượng ở chiều bán ra, một phần do giao dịch chậm, một phần do giá vàng thế giới ít biến động. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đáng cao hơn khoảng 7,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Hà Nội theo niêm yết của Phú Quý sáng nay là 57 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,85 triệu đồng/lượng và 57,5 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Nhẫn tròn trơn 999,9 tại Phú Quý có giá 51,4 triệu đồng/lượng và 52,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam là 1.804,2 USD/oz, giảm 3,7 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương 50,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng tăng 3,6 USD/oz, chốt ở 1.807,9 USD/oz.
Giá vàng thế giới những phiên gần đây giằng co trên ngưỡng 1.800 USD/oz do thiếu yếu tố hỗ trợ mang tính quyết định. Xu hướng tăng giá của đồng USD gần đây đang gây áp lực giảm lên vàng, trong khi giá kim loại quý này vẫn được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong đại dịch Covid-19.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào ngày 22/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cam kết giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục thêm một thời gian để kích thích lạm phát, đồng thời cảnh báo biến chủng Delta của Covid-19 có thể đặt ra rủi ro cho sự phục hồi kinh tế Eurozone. Lạm phát trong Eurozone đã ở mức thấp trong một thời gian dài, và dù áp lực giá cả có tăng lên gần đây, lạm phát trong khu vực vẫn chưa đạt mục tiêu ECB đề ra.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay tăng lên ngưỡng 92,9 điểm, từ mức 92,8 điểm của sáng qua. Gần đây, chỉ số có lúc vượt 93 điểm, cao nhất hơn 3 tháng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.150 đồng (mua vào) và 23.220 đồng (bán ra), giảm 30 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Trong 4 ngày giảm liên tục, giá USD tự do đã mất 110 đồng.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.910 đồng và 23.110 đồng, giảm thêm 10 đồng so với sáng qua.
Cửa hàng đóng cửa, 1 đại gia vàng vẫn lãi hơn 700 tỉ
Dù trải qua hai đợt dịch bệnh trong nửa đầu năm 2021, ông lớn trên thị trường vàng bạc đá quý vẫn tận hưởng kết quả kinh doanh tốt, bất chấp hàng trăm cửa hàng bán vàng của mình đóng cửa.
Theo vneconomy.vn