Thị trường bất động sản sẽ sang trang mới, phục hồi và khởi sắc vào năm 2023
Nêu một số điểm ‘nghẽn’ của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản cho hay, ‘vướng’ pháp lý, nguồn vốn tín dụng, kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như trái phiếu đang gặp trục trặc, nguồn cung không phù hợp nhu cầu khi chủ yếu là phân khúc cao cấp, niềm tin nhà đầu tư và người tiêu dùng đang sụt giảm… khiến thị trường bất động sản gặp khó.
Theo ông Đính, nếu không tháo gỡ các điểm ‘nghẽn’ trên sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã có hàng loạt động thái như thành lập tổ công tác nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Tiếp đó là hàng loạt các công điện gửi đến các bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu...
Ông Đính đánh giá, động thái của Thủ tướng, của các bộ ngành hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại, sẽ có tính ổn định cho sự phát triển.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp; công điện số 1164 tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở…. Hay việc Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội… cho thấy đó là những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ gần đây.
“Động thái này được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản, mà còn là liều thuốc vực dậy tâm lý nhà đầu tư”, ông Phòng nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường bất động sản là một trong 4 thị trường trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian gần đây. Ông cho rằng, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ sang trang mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; trong đó, Luật Đất đai sửa đổi rất quan trọng.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức.
“Các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi”, ông Đính nói.
Trước những tín hiệu này, ông Đính nhận định, trong quý 1/2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.
“Bước sang quý 2, quý 3/2023, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ”, ông Đính cho hay.
Minh Thư