Giá bất động sản hiện mới chỉ 'cắt lãi', chưa phải ‘cắt lỗ’
Với những nhà đầu tư có sẵn vốn đang chờ bất động sản giảm giá, ‘cắt lỗ’ để mua vào. Liệu thị trường có xảy ra ‘cắt lỗ’, giảm giá hay không khi lãi suất ngân hàng tăng mạnh?
Chia sẻ vớ PV Infonet, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Bất động sản Hải Phát cho biết: Nhiều nhận định lãi suất sẽ còn tăng lên tiếp, nếu lãi suất tiếp tục tăng lên mức 15%, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì, cầm cự được khoảng 6 tháng. Quá thời gian này sẽ xảy ra câu chuyện ‘cắt lỗ’ trên thị trường.
““Cắt lỗ’ sâu sẽ xảy ra ở những thị trường đã từng "sốt nóng", giá tăng 100% trong vòng một năm”, ông Duy nhận định.
Tuy nhiên, ông Duy cho hay, lãi suất tăng, thanh khoản giảm, nhưng giá bất động sản từ năm 2020 đến 2021 tăng ít nhất khoảng 50%. Nếu nhà đầu tư mua ở thời điểm năm 2021 vẫn có lời. Do đó, nói “cắt lỗ” cũng không đúng mà chỉ là đang cắt trên lãi; chưa cắt vào gốc.
Ông Duy ví dụ, nếu năm 2021 mua lô đất giá 10 triệu đồng, đến năm 2022 tăng lên 15 triệu đồng, nhưng giờ chỉ bán ở giá 12,5-13 triệu đồng, thì bản chất là cắt trên lãi, chứ vẫn không lỗ.
“Thị trường bất động sản hiện nay không như trước đây, thị trường phải ‘đóng băng’ lâu mới xảy ra ‘cắt lỗ’. 10 năm trước khi thị trường bất động sản khó khăn khoảng 1-1,5 năm, nhà đầu tư không chịu được mới ‘cắt lỗ’. Còn nay, thị trường rộng hơn, phân khúc đa dạng hơn; chuyện ‘cắt lỗ’ hay ‘đóng băng’, khó thanh khoản nếu có xảy ra thì chỉ ở một số khu vực và ở vài phân khúc, chứ không phải tất cả toàn bộ thị trường”, ông Duy nói.
Theo ông Duy, ở thị trường có thanh khoản tốt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với một số phân khúc tốt, có vị trí tốt, thanh khoản dưới giá vùng đỉnh của tháng 4 khoảng 2% vẫn có giao dịch. Cứ giá chào bán tốt là có giao dịch dù thị trường chậm.
Song, ông Duy cho rằng, nhà đầu tư nên chờ đợi thêm bởi xu thế chung của thị trường năm sau chưa rõ ràng.
“Ít nhất phải chờ hết năm nay. Đến sang năm, còn phụ thuộc vào lãi suất điều hành, các chính sách vĩ mô mới có thể đưa ra quyết định. Thị trường bất động sản đến hết năm nay và năm sau sẽ khó khăn. Thị trường có chu kỳ, cứ 5-6 năm tăng, sẽ có 2-3 năm giảm. Hiện chu kỳ giảm bắt đầu từ tháng 4 đến nay, kỳ vọng 1 năm nữa, nếu không cũng 1,5 năm nữa mới hết chu kỳ giảm”, ông Duy nhận định.
Còn ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Điều hành Công ty CP Kim Long Land cho rằng, từ tháng 3/2022 về trước, diễn biến thị trường ổn định. Từ tháng 4 đến bây giờ, tình trạng khó khăn diễn ra chung.
Tuy nhiên, ông Dũng cho hay, vẫn chưa thấy bất động sản ở đâu giảm giá và chỉ thấy đi ngang.
“Thị trường sẽ đi ngang và tỷ lệ giao dịch ít chứ không có hiện tượng giá giảm mạnh”, ông Dũng nhận định.
Theo vị này, những người mới vào nghề sẽ có tâm lý sợ hãi lo lắng hơn. Những người không làm nghề bất động sản cũng hoang mang. Nhưng với người đã trải qua chu kỳ 2011-2013 thì đến hiện tại đều nhận thấy, Chính phủ đang làm rất tốt trong việc điều chỉnh lạm phát, lãi suất và điều hành nền kinh tế vĩ mô ổn định.
“Chúng ta đang chờ “đáy” như 2011-2013? Tôi khẳng định sẽ không có “đáy” như thời gian đó. Nhưng nếu hỏi về “đáy” ở thời điểm hiện tại, tôi cũng không biết vì phải đi qua thì mới biết “đáy” nằm ở điểm nào”, ông Dũng nói.
Minh Thư