Giá đất ở Phan Thiết đã tăng 10 lần, có nên đầu tư vào thị trường này?
Vừa bán lô đất ở vùng ven Hà Nội, cùng với số tiền tích cóp từ trước, chị Thu Phương ở Hà Nội đang có một số tiền nhàn rỗi 8-10 tỷ đồng.
Chị Phương rất thích đầu tư bất động sản ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Qua tìm hiểu thực tế, chị đang phân vân lựa chọn đầu tư ở khu vực Phan Thiết (Bình Thuận) và khu vực lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận...
“Bỏ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này có nên không; tiềm năng tăng giá của khu vực Phan Thiết trong tương lai sẽ thế nào vì tôi xác định đầu tư lâu dài?”, chị Phương băn khăn đặt câu hỏi.
Đánh giá về khu vực Nam Trung Bộ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, trong kế hoạch phát triển khu vực Nam Trung Bộ, tốc độ tăng trưởng được dự định lên mức 8 - 9% đến năm 2030 nên vùng này rất nhiều tiềm năng trong những năm tới.
Ông Lực cho rằng, ở khu vực này, Nha Trang đã khá bão hòa, còn Phú Quốc, Phan Thiết vẫn rất nhiều tiềm năng.
“Trong khi đó, du lịch đã hoạt động mạnh mẽ, sôi động trở lại. Bất động sản đô thị du lịch hiện là phân khúc đáng đầu tư. Dự đoán ngành bất động sản sẽ sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, khi kinh tế đang phục hồi và vấn đề pháp lý sắp tới được tháo gỡ… Nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư lĩnh vực này”, ông Lực nói.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, đầu năm 2000, ông cũng tham gia tìm hiểu tiềm năng và đầu tư vào các tỉnh phía Nam. Khi đó Mũi Né chính là địa chỉ sáng nhất khu vực Nam Trung Bộ và đã đầu tư nhưng dự án đó đến giờ vẫn chưa làm được gì vì giao thông đi lại rất khó khăn, máy bay không có, nơi đó còn rất hẻo lánh.
Nhưng hiện nay đã có quy hoạch sân bay, cao tốc; ông Hà cho rằng, cứ hình dung Quảng Ninh, Móng Cái phát triển như thế nào thì Phan Thiết sẽ phát triển như vậy trong tương lai không xa.
“Tôi cho rằng Phan Thiết còn nhiều dư địa phát triển. Chắc chắn bất động sản nghỉ dưỡng của Phan Thiết sẽ là điểm sáng của bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Hà nhận định.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với số tiền đó nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, đặc biệt ở những vùng có tiềm năng du lịch. Nhưng nhà đầu tư nên lưu ý một số nơi bất động sản du lịch đã phát triển ổn định, khai thác tốt thì mặt bằng giá tương đối cao.
“Đối với condotel, shophouse có giá 4 - 5 tỷ đồng cho một sản phẩm thì có thể đầu tư ở những khu vực đang phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận. Lý do là những vùng này còn rất nhiều dư địa và chủ đầu tư đang có cơ chế bán hàng tốt. Có thể đầu tư ngay bây giờ, bởi nếu đợi khi hoàn thiện rồi thì có thể sẽ không còn cơ hội”, ông Đính gợi ý.
Nói về tiềm năng, xu hướng tăng giá của bất động sản ở Phan Thiết, ông Đính cho hay, năm 2015, giá bất động sản tại đây chỉ vài ba triệu đồng cho một mét vuông, sau đó mới có sự bùng nổ của các dự án. Đặc biệt, việc triển khai sân bay, cao tốc vào năm 2019 - 2020 khiến giá bất động sản nơi này thay đổi chóng mặt, giá khoảng 30 triệu đồng/m2.
“Như vậy tốc độ đã tăng lên 10 lần. Hiện nay giá bình quân của bất động sản tại đây là trên 50 triệu đồng/m2. Dự báo Phan Thiết là khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, tôi đánh giá trong vài năm tới, nơi đây sẽ không thua kém Đà Nẵng hay Nha Trang”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà lưu ý, khi đầu tư quan trọng nhất là tính pháp lý. Thỏa thuận hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua phải rõ ràng, hợp lý. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ để tránh rủi ro trước khi xuống tiền.
Chuyên gia Cấn Văn Lực lưu ý, nhà đầu tư cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, các dự án bất động sản được quản lý bởi ai? Nếu được quản lý bởi những chủ đầu tư chuyên nghiệp, uy tín thì sẽ yên tâm hơn.
Thời điểm hiện nay không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều bởi lãi suất đang tăng. Thị trường lên xuống, nhiều lúc nhà đầu tư muốn bán để trả nợ nhưng chưa chắc đã bán được; vấn đề thanh khoản của thị trường là vô cùng quan trọng”, ông Lực nói thêm.
Minh Thư