Vì sao Gazprom cắt giảm vận chuyển khí đốt đến châu Âu?
Interfax đưa tin, kể từ ngày 31/7, tập đoàn Gazprom đã giảm vận chuyển khí đốt đến các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe, chạy qua Belarus và Ba Lan đến Đức.
Theo cổng thông tin cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, khối lượng bơm vào các cơ sở lưu trữ lớn nhất ở châu Âu được sử dụng bởi Gazprom ở Áo (Haidach), Đức (Rehden) và Hà Lan (Bergermeer) đã giảm.
Nguồn cung giảm
Theo nhà điều hành vận chuyển Gascade của Đức, nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống dẫn khí Yamal-Europe đã giảm từ 84 triệu mét khối tại lối vào từ Đức trong vài ngày trước đó xuống còn 50 triệu mét khối vào ngày 31/7 và 60 triệu mét khối ngày 1/8.
Nhu cầu và kế hoạch thay đổi
Theo gã khổng lồ khí đốt của Nga, sau một mùa đông lạnh giá và lượng khí giảm kỷ lục từ các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm của Nga (UGS) (gần 61 tỉ mét khối), Gazprom phải đối mặt với nhiệm vụ bơm cùng một lượng khí đốt vào cơ sở lưu trữ này. Các kho lưu trữ đã được làm trống ở khắp mọi nơi, kể cả ở châu Âu, nhưng việc lấp đầy các kho ở Nga là ưu tiên hàng đầu.
Vì sao Gazprom cắt giảm vận chuyển khí đốt đến châu Âu? (Ảnh: RIA) |
Mặc dù thực tế rằng vào năm 2021, việc bơm vào các cơ sở của UGS cần nhiều hơn 16 tỉ mét khối so với năm 2019, nhưng kế hoạch sản xuất khí đốt năm nay không cao hơn, mà thậm chí còn thấp hơn một chút so với năm 2019.
Mối đe dọa đối với Châu Âu
Trước đây, vào tháng 6, Gazprom một lần nữa từ chối gia hạn thêm năng lực vận chuyển qua Ukraine cho tháng 7. Nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine đã đưa ra giá vận chuyển bổ sung với số lượng 63,7 triệu mét khối mỗi ngày. Quyết định này đã gây nguy hiểm cho thị trường khí đốt ở châu Âu, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng kỷ lục và dẫn đến thiếu nhiên liệu.
Phản ứng của Châu Âu
Châu Âu đã chỉ trích Gazprom do tập đoàn này không muốn tăng nguồn cung cấp nhiên liệu. Gazprom được gọi là những kẻ cơ hội. Một số chuyên gia tin rằng hành động của nhà độc quyền khí đốt Nga là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên các nước Liên minh châu Âu (EU) trong việc phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) sắp được hoàn thành.
Thời tiết giá lạnh buộc các thành phố ở châu Âu phải tiêu tốn dự trữ khí đốt, đây trở thành một trong những nguyên nhân khiến khí đốt thiếu hụt, hơn hết làm giá cả tăng nghiêm trọng. Vào cuối nửa đầu năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nhờ giá khí đốt và các nguyên liệu thô khác tăng, Nga đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, vượt xa các chỉ số của thời kỳ trước khủng hoảng 2019.
Bản ghi nhớ của Gazprom
Theo các báo cáo, Gazprom đã tăng xuất khẩu sang các nước không thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) lên 107,5 tỉ mét khối khí đốt trong 6 tháng rưỡi năm 2021. Như vậy tập đoàn này đã tiến gần đến kỷ lục lịch sử được thiết lập vào cùng kỳ năm 2018, khi nguồn cung đạt 108,9 tỉ mét khối.
Trong khi đó, nguồn cung cấp cho Romania tăng đáng chú ý nhất với 294,8% và Thổ Nhĩ Kỳ hơn 205%, cũng như Serbia (123,5%), Đức (43,3%), Bulgaria (44,1%), Hy Lạp (21,3%). Nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” cũng tiếp tục tăng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Alexander Kozlov cho biết, trữ lượng dầu khí khổng lồ của Nga đủ để sử dụng ít nhất cho đến năm 2080 ở mức sản lượng hiện tại.
Moscow Times dẫn lời ông Kozlov nói rằng, Nga có trữ lượng dầu mỏ tương đương 59 năm và trữ lượng khí đốt là 103 năm. Quy mô thực sự của các mỏ nhiên liệu hóa thạch dưới đất Nga có thể còn lớn hơn, nhưng sẽ cần sự hỗ trợ thêm của nhà nước để đẩy nhanh việc thăm dò ở những khu vực khó tiếp cận, chẳng hạn như bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên ước tính, chỉ khoảng 1/3 trữ lượng đã biết của Nga sẽ có lợi nhuận khi khai thác bằng các công nghệ hiện có. Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, các công ty năng lượng phương Tây bị cấm chia sẻ công nghệ khai thác tiên tiến có thể sẽ giúp Nga khai thác các mỏ dầu khí ở Bắc Cực.
Ông Biden làm gì với bức tường Mỹ-Mexico khi không thể phá bỏ?
Ông Donald Trump đã rời Nhà Trắng 6 tháng, nhưng di sản của ông là bức tường ở biên giới với Mexico tiếp tục khiến nguyên thủ quốc gia mới Joe Biden đau đầu.
Thanh Bình (lược dịch)