Mỹ 'phát sốt' về nguy cơ rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc
Mỹ cho tiến hành nhiều cuộc họp bàn về "nguy cơ rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra" tại Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc.
Hôm 14/6, một công ty hạt nhân của Pháp cho hay đơn vị này đang làm việc để giải quyết “vấn đề hoạt động” tại nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau khi truyền thông Mỹ cho rằng nguy cơ rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra tại đây.
CNN mới đây đưa tin, chính phủ Mỹ đang đánh giá bản báo cáo về nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trước đó, công ty Framatome của Pháp đã đưa ra cảnh báo về “mối đe dọa rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra” tại Nhà máy Đài Sơn.
Mỹ "phát sốt" về nguy cơ rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra ở Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc. (Ảnh: CGN) |
Trong thông báo, công ty Framatome cho biết đơn vị “đang hỗ trợ đưa ra giải pháp cho vấn đề hoạt động” tại Nhà máy Đài Sơn.
“Theo những số liệu sẵn có, nhà máy đang hoạt động trong ngưỡng an toàn. Nhóm của chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề tiềm tàng”, Framatome cho hay.
Dẫn bức thư được Framatome gửi tới Cơ quan Năng lượng Mỹ, CNN cho hay lời cảnh báo còn bao gồm cáo buộc cục an ninh hạt nhân Trung Quốc đã cho nâng giới hạn cho phép về nồng độ phóng xạ thoát ra ở bên ngoài cơ sở Đài Sơn để tránh khả năng nhà máy phải dừng hoạt động.
Cơ quan quản lý Nhà máy Đài Sơn là Tập đoàn Điện Hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc đã có tuyên bố vào tối ngày 13/6 rằng, “Các chỉ số môi trường của Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn và khu vực xung quanh nhà máy hiện bình thường”.
Tuyên bố trên không đề cập tới nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Tập đoàn Điện Hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc cũng khẳng định, cơ sở đáp ứng “các quy định về an toàn hạt nhân và chỉ số kỹ thuật vận hành của nhà máy”.
Theo CNN, chính phủ Mỹ đã dành cả tuần qua để đánh giá về bản báo cáo của công ty Framatome. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng, Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc vẫn chưa ở “mức khủng hoảng”.
Song mối quan ngại về cơ sở hạt nhân của Trung Quốc đủ khiến Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phải tiến hành hàng loạt cuộc họp trong tuần qua. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã thảo luận tình hình với chính phủ Pháp và các chuyên gia tại Bộ Năng lượng Pháp. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã liên lạc với phía chính phủ Trung Quốc, theo một số quan chức Mỹ.
Nhà máy Đài Sơn là dự án uy tín được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận sản xuất điện hạt nhân với Électricité de France, đơn vị nằm dưới sự quản lý của chính phủ Pháp. Cơ sở được bắt đầu xây dựng vào năm 2009 và 2 tổ máy đi vào sản xuất điện lần lượt vào các năm 2018 và 2019.
Đáng nói, Nhà máy Đài Sơn là cơ sở điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR. Các lò phản ứng EPR được cho có ưu điểm lớn về độ an toàn và hoạt động hiệu quả hơn so với các lò phản ứng truyền thống, đồng thời tạo ra ít rác thải hạt nhân hơn.
Các nhà máy hạt nhân của Trung Quốc hiện cung ứng chưa tới 5% tổng nhu cầu sử dụng điện trên lãnh thổ quốc gia vào năm 2019, theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có 46 nhà máy hạt nhân với tổng năng lượng điện sản xuất là 48,75 triệu kilowatt và đang đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Pháp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Còn theo số liệu từ Hiêp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, tính tới tháng 3/2021, 16 nhà máy hạt nhân của Trung Quốc đang vận hành 49 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất sản xuất điện là 51.000 megawatt.
Thành phố Đài Sơn là nơi sinh sống của 950.000 người và nằm ở tỉnh Quảng Đông, phía đông nam Trung Quốc. Tỉnh Quảng Đông hiện có 126 triệu dân sinh sống và GDP của tỉnh là 1,6 ngàn tỉ USD tương đương GDP của Ngà và Hàn Quốc.
Hồi tháng Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hành động thắt chặt thêm quan hệ giữa hai nước thông qua các nhà máy điện hạt nhân do Nga đảm nhận xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tình tiết mập mờ trong vụ 16 máy bay quân sự TQ xâm phạm không phận Malaysia
Trung Quốc vẫn mập mờ trong việc tuyên bố số lượng máy bay quân sự từng xuất hiện gần không phận Malaysia.
Minh Thu (lược dịch)