Thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018
Ảnh minh họa: Internet |
TS Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng quyền lợi của những người nghỉ hưu trong năm 2016 và 2017 vẫn không bị ảnh hưởng.
Theo quy định, họ vẫn được nhận lương hàng tháng bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng BH tương ứng với 15 năm tham gia BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ đến khi đủ mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng BH.
Đối với người LĐ làm việc trong khu vực nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) tham gia BHXH trước năm 1995, lương hưu được tính trên cơ sở lương đóng bảo hiểm của 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ năm 1995 đến năm 2000, từ năm 2001 - 2006 và từ năm 2007 - 2015, lương hưu được tính trên cơ sở lương đóng bảo hiểm của 6 năm, 8 năm và 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, người nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm trên 30 năm, thì từ năm thứ 31 trở đi, mỗi năm được nhận trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH theo cách tính như trên.
Từ năm 2018, cách tính lương hưu sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, năm 2018 nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu được nhận lương tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 16 năm tham gia BHXH, thay vì 15 năm như hiện nay, sau đó sẽ nâng dần lên 17 năm, 18 năm và 19 năm vào năm 2019, năm 2020 và năm 2021.
Từ năm 2022 trở đi, nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu nhận được lương bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 20 năm tham gia BHXH và cứ mỗi năm tăng thêm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa là 75%.
Còn đối với nữ giới vẫn áp dụng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 15 năm, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm được tính thêm 2%, thay vì 3% như hiện nay. Như vậy, để được hưởng lương hưu tối đa thì nam giới phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay, còn nữ giới là 30 năm, thay vì 25 năm như hiện nay.
Trong trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa hoặc thiếu cả tuổi nghỉ hưu thì người LĐ có thể đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện để được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm. Mức đóng bảo hiểm tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động tự quyết định, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Hà Lý/Báo Phụ nữ Thủ đô