Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Tiện lợi nhưng vì sao khó triển khai?
Mặc dù đã quá hạn Bộ Y tế yêu cầu (31/12/2019) các bệnh viện trên địa bàn đô thị phải thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nhưng theo ghi nhận khó triển khai đồng loạt.
Trên thực tế, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E… vẫn chưa áp dụng phương thức này. Trong khi đó, một số bệnh viện triển khai hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ rất sớm nhưng đến nay vẫn phải duy trì cả hai hình thức: qua thẻ và tiền mặt.
Bệnh viện Bạch Mai là ví dụ điển hình. Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc áp dụng thanh toán viện phí qua thẻ mà không dùng tiền mặt từ năm 2013 nhưng đến nay, một bộ phận không nhỏ người bệnh vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thẻ này có đầy đủ tính năng như thẻ ATM thông thường, có thể dùng để đăng ký khám bệnh, khám theo lịch hẹn qua website hoặc qua tổng đài điện thoại của bệnh viện. Việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, song để thanh toán viện phí 100% qua thẻ, thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được.
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đơn vị này đã áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C từ tháng 9/2018. Sau 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hình thức thanh toán này không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, mà còn giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm nhân lực kiểm đếm tiền mặt. Với bệnh nhân ở xa, thanh toán viện phí qua thẻ còn giúp họ quản lý tiền tốt hơn, không còn nỗi lo đánh rơi, hay bị trộm cắp...
Tiện lợi là vậy, nhưng theo thực tế ghi nhận tại bệnh viện, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại đây chủ yếu chi trả viện phí bằng tiền mặt. Anh Trần Công Hạnh (Ba Vì, Hà Nội) đang chờ người nhà cho biết.
Anh Hạnh vốn không có thẻ ATM và cũng lần đầu tiên đưa người nhà đi viện ở Hà Nội nên anh bắt buộc phải mang theo nhiều tiền mặt.
"Số tiền mang theo là cả món to. Tôi cũng lo mất lắm nhưng quen với cách này rồi. Thành thử ra, hôm xuống phải gọi cho đứa cháu học ở Hà Nội bảo nó đến để cầm bớt tiền về, khi nào cần thì lại gọi nó mang đến. Có lẽ sau lần này, tôi cũng phải mở thẻ ở ngân hàng nào đó", anh Hạnh cho hay.
Được biết, mới đây Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám, chữa bệnh. Ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, thẻ khám, chữa bệnh sẽ tích hợp thẻ ngân hàng với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc… Tuy nhiên, để cán bộ y tế, người bệnh thích ứng dần với những tiện ích trên, bệnh viện vẫn áp dụng song song hai hình thức thanh toán: Bằng tiền mặt và bằng thẻ.
Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mốc thời gian trên được đưa ra để các bệnh viện phấn đấu, nhưng khó có thể đạt được. Hiện tại, đã có hơn 30 bệnh viện trên cả nước triển khai phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng người dân đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt vì nhiều lý do khác nhau.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng nhấn mạnh thêm, khi áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường.
Do đó, để hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng không tích cực, các cơ sở y tế phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa, phòng, bộ phận liên quan.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.
N. Huyền