Thanh toán viện phí điện tử: Lợi ích thấy rõ nhưng còn nhiều hạn chế!
Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ hành chính công như viện phí (đối với các bệnh viện) và học phí (đối với các trường học).
Đẩy mạnh thanh toán công bằng điện tử
Theo PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong đó, hiện nay dịch vụ thanh toán điện tử khá phổ biến. Thanh toán điện tử thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), … đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.
Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và bảo đảm công khai, minh bạch hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi; cho phép người tiêu dùng giao dịch và thanh toán với thị trường toàn cầu.
Trong y tế, việc áp dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đối với thanh toán viện phí và các chi phí dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp bệnh nhân không phải xếp hàng để thanh toán viện phí, rút ngắn thời gian, quy trình khám bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh; giúp bệnh viện kiểm soát được nguồn thu, tiết kiệm được nguồn lực, rút ngắn thời gian và quy trình khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời giảm các tình trạng mất trật tự, trộm cắp, mất tiền của bệnh nhân trong bệnh viện.
Người dân thanh toán viện phí bằng QR Code tại BV Đại học Y dược TP.HCM. |
Trước đó, Bộ Y tế đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong ngành Y tế như tổ chức các hội thảo chuyên gia về thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Với quyết tâm đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế, đến nay, Bộ Y tế đã hỗ trợ các cơ sở y tế xây dựng cổng hỗ trợ thanh toán điện tử.
Ông Tường cho biết việc thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi, đó là tại Việt Nam có 90 triệu thẻ nội địa, mỗi năm trên 15 triệu du khách dùng thẻ quốc tế và trên 45 triệu người có tài khoản ngân hàng.
Hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin, cả nước có khoảng 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, việc thanh toán viện phí cũng có nhiều và đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thẻ sử dụng POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR để thanh toán.
Khó khăn ở vùng sâu, vùng xa
Ông Tường cho biết việc thanh toán điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên khi triển khai cũng vướng nhiều hạn chế. Hiện nay, tâm lý người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán, nhất là ở các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Ngoài ra, các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp.
Một hạn chế nữa là việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; Phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.
Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khánh Chi