Thái Bình: Cung cấp kiến thức về sử dụng internet an toàn cho học sinh
Chia sẻ về hoạt động chuyên đề với nội dung “internet với học đường”, cô giáo Vũ Thị Mai Luyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thụy Ninh cho biết, lợi ích của internet trong việc tìm kiếm tài liệu học tập là không ai phủ nhận được. Thế nhưng, thực tế thời gian vừa qua, có không ít phản ánh về việc trên các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video trên internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm.
Nếu sử dụng internet không đúng cách thì học sinh sẽ có nguy cơ có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình, thậm chí có xu hướng hay gây gổ dẫn đến bạo lực học đường. Khi không có sự kiểm soát của người lớn, có thể học sinh sẽ truy cập vào các video có nội dung vô bổ, nhảm nhí.
Ngoài ra, nếu không có kiến thức, không được trang bị kỹ năng từ sớm thì trẻ cũng rất dễ bắt chước theo các nhân vật ưa thích trên mạng mà không lường được hậu quả, ví vụ như nhiều vụ trẻ em gặp nguy hiểm vì làm theo các clip nhào lộn, chế tạo pháo, thậm chí tự tử.
Cũng theo vị hiệu trưởng này thì một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là chủ động giúp các em sớm nhận biết về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng. Cùng với đó là trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi thầy cô, cha mẹ phải cùng đồng hành.
Thông qua buổi học chuyên đề, học sinh Trường Tiểu học & THCS Thụy Ninh được trang bị thêm một số kỹ năng để tham gia mạng xã hội an toàn như kỹ năng "nói không" bao gồm: không làm quen và trò chuyện với người lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư lên mạng.
Học sinh cũng được học kỹ năng kiểm soát như thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, không chia sẻ vị trí định vị khi sử dụng các ứng dụng trên mạng,
Khi gặp vấn đề phức tạp trên mạng, các em cần thông báo hoặc chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, người mà các em tin tưởng để được tư vấn, trợ giúp và tuyệt đối không nên che giấu để sự việc trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, học sinh cũng không nên bình luận ác ý hay có hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng. Các em cần sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác. Nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, các em có thể chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Hoàng Thanh