'Tết này con không được về nhà!'

"Con nhớ nhà và em lắm, con đi 5 tháng rồi mà chưa về. Tết này cũng không về được", bệnh nhi Trần Hoàng Lê Vy (12 tuổi) nói.

Đón Tết ở bệnh viện

Vy bắt đầu điều trị hội chứng thận hư từ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình không thể đưa em đi tái khám. Từ Phú Yên trở lại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cô bé 12 tuổi đã chuyển qua suy thận mạn giai đoạn cuối. Vy bắt đầu gắn liền cuộc sống với chiếc máy chạy thận và phòng trọ nhỏ giữa thành phố. 

“Con nhớ nhà và em lắm, con đi 5 tháng rồi mà chưa về. Lần nào điện thoại, em con cũng khóc. Bé đang ở quê, mẹ con nhờ dì nuôi giùm”, Vy nói. Đôi mắt tròn lại đầy nước khi Vy nhìn mọi người đi mua sắm Tết, cô chú ở khu trọ dọn đồ đạc về quê. 

“Mỗi lần như vậy, bé chỉ nằm khóc. Bé xin mẹ cho về Tết để thăm em 1-2 ngày cũng được, nhưng hai mẹ con chưa có điều kiện”, chị Lê Thị Trúc Ly, mẹ của Vy, ngậm ngùi.

 

 Vy (12 tuổi) đạt giải nhất cuộc thi hát tại Đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Vy và bạn bè trong phòng chạy thận dường như luôn già hơn so với tuổi và vóc dáng. Có thể, vì các em phải chứng kiến nỗi vất vả của mẹ cha và đớn đau của bệnh tật quá sớm. 

Mai Hoàng Nguyên (13 tuổi) có đôi mắt sáng và màu da xám xịt nhìn về phía cha. “Buổi sáng, ba phải dậy sớm đưa con đi chạy thận rồi mới đi làm. Ba làm xong lại quay vào viện đón con. Nhà con còn 2 em nữa. Con muốn mình nhanh khỏe mạnh hơn để phụ giúp gia đình”.

Năm nay, Nguyên không được về quê ăn tết. Năm ngoái, em cũng không về. 

Ở đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, 47 đứa trẻ suy thận mạn gói ghém tuổi thơ trong căn phòng máy lạnh, một tuần 3 lần lọc máu để duy trì sự sống. Thế nên, các em gắn bó với bác sĩ, cô điều dưỡng như gia đình mình. 

Hơn 30 năm theo nghiệp y, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Quý, Trưởng đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM luôn tâm niệm sẽ mang đến nhiều niềm vui cho các con. Đưa bệnh nhi đi chơi siêu thị, tổ chức đêm Giáng sinh, lập tủ sách thiếu nhi, hay để đón Tết Nguyên đán, anh tổ chức thi hát và thi chụp ảnh gia đình cho 47 cô bé, cậu bé. 

Một tuần 3 lần, các em vào viện lọc máu để duy trì sự sống.

 “Chúng tôi chỉ cố gắng tạo ra những khoảnh khắc, thời điểm để các bé có kỷ niệm lưu giữ với gia đình”, bác sĩ Quý nói. Cầm trên tay chiếc cúp giải nhất cuộc thi hát, Lê Vy càng ấp ủ ước mơ lớn nhất của mình là được làm ca sĩ. 

Trải qua tuổi thơ trong bệnh viện tại TP.HCM, đến 16 tuổi, Vy và các bạn sẽ tiếp tục hành trình ở bệnh viện địa phương, nơi có khoa chạy thận nhân tạo cho người lớn. Khi đó, em có thể đón giao thừa bên gia đình dễ dàng hơn. 

Phòng bệnh mở cửa quanh năm

Tại TP.HCM, Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy có 360 bệnh nhân chạy thận định kỳ trong năm 2022, chưa kể khoảng 600 lượt bệnh nhân ngoại trú từ khắp các tỉnh thành đến thăm khám. 

Chị Huỳnh Thị Minh Tâm, 38 tuổi, bắt đầu chạy thận từ năm 12 tuổi. Lúc bé, chị được ba mẹ đưa đi chạy thận ở lầu 10 (khu chạy thận cũ). Lớn hơn một chút, chị vừa đi học vừa tự đi bệnh viện. Sau 26 năm, chị đã có công việc ổn định và đều đặn một tuần ba lần đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận định kỳ cho 360 bệnh nhân trong năm 2022.

 “Tôi xem khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy như là ngôi nhà thứ hai, các cô chú bác sĩ, điều dưỡng như là người thân. Tất cả đã quá quen thuộc. Năm nào Tết đến, tôi cũng nhận được quà, cảm thấy mình không bị bỏ rơi mà còn nhận được nhiều thương yêu”, chị Tâm nói. 

Ở đây, có lẽ không ai không biết anh Ngọc Em, người sống ở hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy, chạy thận 17 năm. Là một kỹ sư xây dựng, anh bị tai nạn và đứt 2 gân đầu gối. Căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tiếp tục đẩy anh vào bế tắc.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh lấy hàng lang là nhà, băng ca là giường, bác sĩ là người thân, sống bằng nghề bán vé số. Sau dịch Covid-19, anh liệt hoàn toàn, xương đùi bị gãy. 

Tết 2023, phòng chạy thận vắng bóng người bệnh quen thuộc. Còn bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, vắng đi người bạn đặc biệt.

“Ngọc Em mất được mấy tháng rồi, cơ thể suy kiệt và qua đời ở quê. Ở đây, nhiều hoàn cảnh thương tâm, người chạy thận lâu nhất cũng được 28 năm”, bác sĩ Tuấn nói.  

Bác sĩ Tuấn và anh Ngọc Em ở đường hoa xuân năm 2022. Ảnh tư liệu.

Phòng chạy thận mở cửa quanh năm, bất kể lễ tết. Nhân viên y tế cũng thay phiên nhau lo việc nhà rồi vào chăm sóc người bệnh trong đêm giao thừa, chia sẻ những món quà xuân, cùng nhau đón năm mới.

"Đêm giao thừa là thời điểm bệnh nhân chạy thận định kỳ tới đông nhất. Tâm lý ai cũng muốn sáng mùng 1 được đi thăm gia đình họ hàng, một số người kiêng kỵ không muốn vào viện ngày đầu năm. Bệnh tật mà, biết sao được. Chúng tôi mong người bệnh được bình an, gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Linh Giao

WWF kêu gọi các quốc gia kiên định đàm phán Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu

Vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu của LHQ đã kết thúc tại Nairobi, Kenya mà không đạt được kế hoạch nào để thúc đẩy việc đàm phán, dù phần lớn các quốc gia đều ủng hộ một hiệp ước có sức mạnh dựa trên các quy tắc toàn cầu.

8X đau lòng nghe chồng nói 'tôi phải lén lút ngủ với cô'

Người phụ nữ trong chương trình Hẹn ăn trưa tự nhận vì yêu quá nhiều mà phải chịu cảnh là vợ hợp pháp nhưng không được chung sống cùng chồng. Sau 7 năm sống xa cách, cô lâm vào cảnh trầm cảm kéo dài.

Cuộc tình ngang trái và ngày đoàn tụ đầy nước mắt sau gần 30 năm

Tại phòng xét nghiệm ADN, người đàn ông ôm mặt khóc nức nở khi cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm. Chàng trai ngoại quốc cũng rơi nước mắt khi biết người bên cạnh là cha mình.

Mẹ chồng nhảy cực sung trong đám cưới, con dâu hạnh phúc cổ vũ không ngừng

Thời gian qua, các video mẹ chồng mặc áo dài nhảy múa trong đám cưới thu hút người xem trên mạng xã hội. Các nàng dâu cũng thích thú, cổ vũ không ngừng.

3 diễn viên nổi tiếng vắng bóng danh sách phong tặng NSND là ai?

Theo Quyết định số 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước ký ngày 22/6/2023, có 77 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND nhưng không thấy có tên NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung, NSƯT Thanh Loan.

4h sáng, luật sư nhận cuộc gọi của người phụ nữ khóc ngất vì bị lừa tiền lần 2

Có hôm 4h sáng, luật sư Vũ Hoàng Long nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ ở TP.HCM. Rồi cô ấy khóc ngất khi biết đã bị kẻ mạo danh lừa lấy hơn 100 triệu đồng.

Quy định mới về cấp đổi giấy phép lái xe

Từ 1/12 tới đây sẽ có một số thay đổi về quy định cấp, đổi và lệ phí cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) mà người dân cần lưu ý.

Chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.

Ý kiến khác nhau về quy định nồng độ cồn trong hơi thở lái xe bằng 0

Liên quan đến việc xử lý nồng độ cồn, các Đại biểu Quốc hội đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số ủng hộ quan điểm đã lái xe là không có nồng độ cồn trong hơi thở, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên quy định ngưỡng nhất định.

Câu nói xúc động của Đại úy Công an đứt lìa 2 chân: 'Cha, mẹ sao rồi'

Đại úy Trần Hoàng Ngôi, người bị đứt lìa hai chân khi truy bắt các đối tượng cát tặc, tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật không quan tâm đến sức khỏe của mình mà hỏi "cha, mẹ sao rồi".

Đang cập nhật dữ liệu !