Tết này chúng con không về mẹ ạ…
Hai vợ chồng tôi có quê khác tỉnh, người Thái Bình, người Quảng Ninh. Mấy năm nay, cứ 28 Tết là cả nhà tôi khăn gói quả mướp về đón Tết cùng ông bà nội rồi mùng 2, mùng 3 lại sắp sửa đồ đạc sang nhà ngoại.
Bố mẹ chồng tôi ở Quảng Ninh có cả thảy 4 anh chị em, trong đó 2 anh lớn lập nghiệp trong Sài Gòn, vợ chồng tôi ở Hà Nội còn cô út lấy chồng tận trong Thanh Hóa.
Đi làm cả năm nên cứ gần Tết là 4 gia đình đều sắp xếp về nhà sớm đón Tết với bố mẹ. Cô út lấy chồng xa nhưng năm nào cũng cứ mùng 2 là cô ấy có mặt, cả nhà tôi ăn bữa cơm đoàn viên, kể cho nhau những thăng trầm của một năm đã qua.
Ảnh minh họa |
Chúng tôi về thì bà nội lại bận rộn hơn bao nhiêu. Sáng nào bà cũng dậy sớm đạp xe ra chợ hải sản để chọn những con mực, mớ tôm tươi nhất, còn chả mực bà đặt hẳn loại ngon để về làm cơm thiết đãi con cháu. Khoảng 2 tuần trước Tết bà đã đi hỏi mua trứng gà sạch cất gọn trong tủ lạnh để con cháu về có cái mà ăn. Mẹ chồng tôi là thế, bà luôn để ý và chăm lo cho các con, các cháu từng tí một.
Tôi biết từ đầu tháng Chạp mẹ chồng đã đếm từng ngày để chờ chúng tôi về. Một năm chỉ có mỗi ngày Tết là các anh em hội ngộ. Tết năm nay thì khác, do ảnh hưởng khủng khiếp của dịch bệnh nên dù đã đặt vé cho cả gia đình về Bắc nhưng hai anh chồng tôi quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết vì lo dịch bệnh.
Quảng Ninh lại nằm trong vùng dịch, xe cộ ra vào tỉnh cũng bị hạn chế phần nào, lần này tốc độ bùng dịch nhanh quá nên để bảo vệ cho những người thân và cộng đồng hai vợ chồng tôi cũng quyết định ai ở đâu cứ ở yên đó. Vậy là tôi gọi điện về thông báo cho mẹ chồng Tết này chúng tôi không về, nếu Rằm tháng Giêng kiểm soát dịch bệnh ổn hơn chúng tôi sẽ về.
Tôi cảm nhận được giọng mẹ chồng chùng xuống, nghẹn lại qua điện thoại khi nghe tin không một đứa nào về ăn Tết được. Thế nhưng, mẹ vẫn động viên chúng tôi: “Các con ở lại là đúng rồi, tình hình dịch bệnh căng thẳng, sức khỏe là trên hết con ạ, con ở trên đó đi đâu nhớ mang khẩu trang và dùng nước rửa tay sát khuẩn. Dịch bệnh qua đi rồi đưa các cháu về chơi với bố mẹ cũng được mà.
Mai mẹ ra chợ sớm mua ốc móng tay con thích với ít tôm, mực rồi bảo bố đóng vào thùng xốp, chiều mai có xe hàng đi qua nhà mẹ gửi cho nhé. Con có thích thêm gì không mai mẹ mua luôn cả thể. À, còn con cá vược bố đặt người ta vẫn để ngoài thuyền, để mẹ bảo bố ra lấy về làm sạch, cắt khúc mai mẹ gửi cho luôn”.
Nghe những lời mẹ chồng nói mà nước mắt tôi lăn dài trên hai má. Mẹ chồng tôi là thế, lúc nào cũng nghĩ cho các con, các cháu. Cái gì ngon nhất, tốt nhất cũng dành phần con, phần cháu.
Mớ rau, khay mực, từng quả cà chua... mẹ gửi từ quê nhà cho các con đón Tết thủ đô. |
Dịch bệnh đã làm đảo lộn, xáo trộn tất cả mọi thứ nhưng có một điều duy nhất không bao giờ thay đổi là tình cảm yêu thương mà ông bà dành cho chúng tôi, là sự nhớ thương mong ngóng từng ngày đợi chúng tôi về.
Dịch bệnh ơi hãy nhanh qua đi để những đứa con xa quê như chúng tôi được trở về ăn bữa cơm đoàn viên với gia đình.
Về quê ăn Tết còn nợ 2 tháng tiền nhà, em xin khất thì anh chủ đột ngột đưa ra đề nghị choáng váng
Em hoàn hồn lại, lắp bắp từ chối thì anh ấy bảo em cứ về quê ăn Tết rồi suy nghĩ cho kỹ đi, sau Tết đưa ra đáp án cũng chưa muộn.
Bạn đọc Ái Lệ