Tàu cá phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định kết nối thiết bị giám sát hành trình
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc triển khai các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), đến nay Hà Tĩnh đã có 101/107 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS, còn 6 tàu hiện hư hỏng, nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản trên biển (các chủ tàu đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại).
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi quay trở về.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, có 2 tàu cá mang biển số HT-96718-TS do ông Nguyễn Đức Huy làm chủ và tàu HT-96726-TS do ông Nguyễn Văn Ất làm chủ (đều trú ở huyện Nghi Xuân) vi phạm 4 lỗi: không có giấy chứng nhận kỹ thuật tàu cá, không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời/cập cảng, không tuân thủ nội quy của cảng cá và không duy trì hoạt động giám sát hành trình.
Lý giải về việc mất kết nối thiết bị hành trình, chủ tàu HT-96726-TS, ông Nguyễn Văn Ất cho biết, thời gian qua do máy móc bị hư hỏng nặng nên mất thiết bị kết nối hành trình khi đang đánh bắt cá. Chuyến đánh bắt hải sản của ông Ất dự kiến kéo dài 3 tháng, chi phí rất lớn nên tàu của ông không thể trở về đất liền để khai báo, sửa chữa theo quy định của Tổng cục Thủy sản.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cho biết, qua trao đổi, các chủ tàu giải thích cho việc bị ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác trên biển là do hoàn cảnh khách quan. Vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên biển nên thiết bị dễ hư hỏng, hoạt động kém và thường xuyên bị mất sóng.
Cũng theo ông Sơn, khi thiết bị VMS hư hỏng, ngư dân phải gửi đi Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để bảo hành, sửa chữa. Thời gian khắc phục nhanh thì 2 – 3 tuần, chậm thì từ 1 - 2 tháng, nên gây không ít khó khăn, trở ngại cho cả ngư dân lẫn đơn vị chức năng trong kiểm tra, giám sát hoạt động.
“Khi phát hiện những tàu cá vi phạm về ngắt thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác hải trên biển, chúng tôi đã gặp các chủ tàu để tìm hiểu nguyên nhân, sau đó lập biên bản nhắc nhở, gửi lên các cơ quan chức năng có chế tài để xử lý phù hợp. Đến nay, chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử phạt hành chính”, ông Bùi Tuấn Sơn nói.
Theo quy định, trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 6 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị hỏng, nếu không sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với hành vi không duy trì giám sát hành trình là từ 300 - 500 triệu đồng.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Sở NN&PT Hà Tĩnh, hiện nay việc xác định thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối khi đang khai thác trên biển thuộc về yếu tố chủ quan hay khách quan vẫn còn chưa thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trên toàn quốc. Trong thời gian chờ thông tin từ Bộ NN&PTNT, Hà Tĩnh tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, không cho tàu cá xuất cảng khi chưa kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Trần Hoàn