Tập đoàn Cao su tuyệt đối không để đất hoang, chia chác, tham nhũng…
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019) tổ chức tại Công ty Cao su Phú Riềng, tỉnh Bình Phước ngày 26/10/2019.
Nhấn mạnh những thành tựu của ngành cao su trong phát triển kinh tế đất nước, theo Phó Thủ tướng, kể từ khi cây cao su được trồng ở Việt Nam, đến nay cả nước có khoảng 1 triệu ha cao su, phân bố từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và miền núi phía bắc. Đóng góp của ngành cao su vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước là rất lớn.
Năm 2018, ngành cao su xuất khẩu 1,56 triệu tấn cao su các loại, xếp thứ 3 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên đạt 2,1 tỷ USD. Tính cả các mặt hàng liên quan, giá trị xuất khẩu lên đến hơn 6,6 tỷ USD. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Không chỉ phát triển trong nước, ngành cao su Việt Nam còn đầu tư phát triển cao su ở Lào và Campuchia. Đến nay, chương trình bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Đánh giá cao những đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của ngành cao su đạt được trong những năm qua, sự hội nhập sâu rộng vào ngành cao su thế giới, nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động tới mọi quốc gia, doanh nghiệp. Xu thế này đang tạo ra thời cơ phát triển nhưng cũng nhiều thách thức đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong xu thế đó, ngành cao su Việt Nam cũng cần tích cực, chủ động đổi mới, hội nhập để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
Phó Thủ tướng yêu cầu ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu khẳng định là một tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, Tập đoàn cần gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, khai thác, sản xuất, chế biến kinh doanh với ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực; làm nòng cốt thúc đẩy ngành công nghiệp cao su Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm.Tiếp tục tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ ngành công nghiệp cao su, cung cấp những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm đầu vào cho các ngành công nghiệp khác của đất nước và phục vụ cho xuất khẩu.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Tập đoàn cần tăng cường quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tuyệt đối không để đất hoang hóa, khai thác không hiệu quả, chia chác, tham nhũng…