Tăng trưởng kinh tế tỉnh Hưng Yên đạt mức cao nhất trong 15 năm qua
Ngày 29/12/2022, Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2022 với sự chủ trì của Cục trưởng Đào Trọng Truyến.
Công bố một số thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên năm 2022, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết: Tỉnh Hưng Yên bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na kéo dài, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, đặc biệt giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được kiểm soát, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội dần phục hồi trở lại. Từ ngày 15/3/2022, các hoạt động dịch vụ đã trở lại bình thường sau gần một năm bị gián đoạn, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Cục trưởng Đào Trọng Truyến cũng lưu ý: Nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,41%, cao nhất trong 15 năm trở lại đây (từ năm 2008), đưa tỉnh Hưng Yên xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước và xếp thứ 1/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng về tốc độ tăng GRDP năm 2022”, Cục trưởng Đào Trọng Truyến phấn khởi bày tỏ.
Báo cáo của Cục Thống kê đã nêu rõ một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2022. Đáng chú ý: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 13,41% (vượt xa so với mức tăng 7% theo kế hoạch); Về cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,49%, công nghiệp và xây dựng 63,91%, dịch vụ 22,32%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,28%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 58.293 tỷ đồng, tăng 47,24%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,38% (mục tiêu kế hoạch chỉ là tăng 8,50%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 60.941 tỷ đồng, tăng 61,07%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 6.300 triệu USD, đạt 112,5% kế hoạch; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 51.179 tỷ đồng, đạt 262,12% so với kế hoạch năm, trong đó: thu nội địa 46.796 tỷ đồng, đạt 293,85% kế hoạch năm (số liệu cập nhật đến ngày 25/12/2022). Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,93% (theo mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).
Được biết, Hưng Yên có diện tích nhỏ nhưng lại là tỉnh có mật độ dân số cao, năm 2022 đạt 1.389 người/km2, xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Lao động của tỉnh Hưng Yên có sự chuyển dịch tích cực từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 47%; khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 32%.
Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh luôn duy trì đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 8,25%/năm.
Năm 2020, 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước, lần lượt tăng 5,97% và tăng 6,01%.
Năm 2021, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 112.306 tỷ đồng, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; GRDP bình quân đầu người đạt 88,1 triệu đồng, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề về an sinh xã hội luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm.
Anh Duy