Tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2015, cả nước có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới còn có 8 Chương trình khác có nội dung trực tiếp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình.
Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình.
![]() |
Trong giai đoạn 2016-2020, từ 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ, Quốc hội lồng ghép, tích hợp thành 2 Chương trình và đều là các chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới) để tập trung hơn nữa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong giai đoạn này, nguồn vốn cho các chương trình đầu tư công đa số bị cắt giảm mạnh so với giai đoạn trước nhưng vốn ngân sách trung ương vẫn bố trí cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội là trên 63 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Và đến nay, trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ cũng đang dự kiến báo cáo Quốc hội ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách trung ương cho 2 Chương trình MTQG theo đúng kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt (trong khi các Chương trình mục tiêu chỉ đáp ứng khoảng 70-80% kế hoạch trung hạn) thể hiện sự ưu tiên và cam kết của Chính phủ đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tính riêng giai đoạn 2016-2019, cả nước huy động khoảng 1.500 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó: Ngân sách nhà nước trực tiếp cho Chương trình chỉ chiếm 13,4%; Tín dụng 986 nghìn tỷ đồng chiếm 65,9%; Doanh nghiệp và hợp tác xã 78,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,22%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 80,9 nghìn tỷ đồng chiếm 5,4%.
“Dự kiến cả giai đoạn 2016-2020, cả nước huy động được khoảng 1.900 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với giai đoạn trước, trong đó ngân sách nhà nước gồmtrung ương và địa phương đạt khoảng 263,5 nghìn tỷ đồng (bằng 2,67 lần so với giai đoạn 2010-2015”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.