"Tận diệt đến từng con tép"
Nhiều ngư dân ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) phản ánh, hiện nay, có khá nhiều người ở địa phương đang dùng rọ lồng để đánh bắt, khiến cho nguồn thủy sản trên sông ngày càng kiệt quệ. Ông Lê Văn Bính (53 tuổi, thôn Du Quang), than thở: “Khổ quá! Rọ lồng đã vét sạch các loại tôm, cá thì những người hành nghề theo cách truyền thống như chúng tôi biết lấy gì mà mưu sinh?”
Hai năm trở lại đây, thủy sản trên sông giảm mạnh, nhất là các loại cá móm, cá bống, tôm đất. Trước đây, mỗi ngày ông Bính có thể kiếm đến 500 nghìn. Thế nhưng bây giờ, ngày nào may mắn lắm ông mới có được 100 nghìn. Lắm hôm, cá, tôm bắt được chỉ đủ để kho ăn trong ngày.
Hình thức đánh bắt bằng rọ lồng đang khá phổ biến trên các con sông tại Quảng Ngãi |
Ông Bính cho rằng: “Do rọ lồng hết đấy! Đây là loại lồng hủy diệt. Tôi mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn”.
Sư lộng hành của rọ lồng hiện nay còn gây nhiều ách tắc, trở ngại cho chủ các tàu, thuyền lưu thông trên sông. Bởi lẽ, khi rọ lồng giăng trải chi chít dưới đáy đầm đã khiến chân vịt tàu cá bị mắc, quấn vào lưới. Vì quá bức xúc, nhiều chủ phương tiện đã không ít lần xô xát với ngư dân đánh bắt bằng rọ lồng, phản ứng hoạt động khai thác thủy sản theo kiểu hủy diệt này.
Lợi bất cập hại
Theo sự phản ánh, chúng tôi theo các ghe nhỏ để “mục sở thị” tình trạng khai thác thủy sản bằng rọ lồng trên khu vực sông đi qua xã Phổ Quang. Chỉ trong khoảng 5km dọc bờ sông đến cửa biển Mỹ Á đã có hàng chục chủ phương tiện ghe, thuyền đua nhau khuấy đảo, thả lưới lồng dọc dòng sông để khai thác thủy sản. Rọ nối rọ, theo đó, khắp sông đều bị vây chặt. Từ con cá, con tôm đến cua, lươn, lạch đều không còn đường kiếm ăn và cứ thế lần lượt chui vào.
Thường thì khoảng 4 giờ chiều mọi người bắt đầu đi giăng rọ và đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau lại thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Luận (43 tuổi, thôn Du Quang), một chủ rọ lồng, thừa nhận: “Những năm trước, có khi thu tiền triệu hàng đêm mà chẳng tốn công sức gì nhiều. Còn bây giờ khi lượng thủy sản trên sông ít hơn, mỗi ngày tành tành cũng kiếm được vài trăm”.
Theo quan sát, tình trạng này đang phổ biến khắp các dòng sông trên địa bàn trong tỉnh với số lượng khó kiểm soát. Ở Đức Phổ tập trung nhiều ở xã Phổ Quang, Phổ Vinh, Phổ Khánh, Phổ Thạnh… Chỉ riêng ở xã Phổ Quang đã có khoảng 60 hộ có rọ lồng.
Cùng với nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện, việc ngư dân sử dụng bừa bãi và tràn lan rọ lồng là vi phạm quy định về khai thác thủy sản ven bờ. Lý do là phần lưới bao quanh rọ lồng rất dày, mắt lưới lại quá nhỏ (nhỏ hơn 15mm so với quy định) nên nó có thể “vơ vét” được từng con tép, con cá con bằng nửa đầu đũa.
Rọ lồng có phần lưới rất dày, mắt lưới lại quá nhỏ nên nó có thể “vơ vét” được từng con tép, con cá con bằng nửa đầu đũa. |
Trước tình hình này, ông Lê Thanh Tân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ, cho hay: “Do chưa có văn bản nào quy định việc xử lý hình thức đánh bắt này nên dù người dân, nhất là những người hành nghề đánh bắt truyền thống bức xúc, phản ánh rất nhiều lần, nhưng chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền để bà con hạn chế sử dụng”.
Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, mỗi năm, tỉnh cũng thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả các loài giống thủy sản xuống sông, biển. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu đồng nên cũng chưa đem lại kết quả.
Chính vì thế, ông Lê Minh Đức - Trưởng phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không nên dùng rọ lồng để đánh bắt. Có như vậy, nguồn lợi thủy sản trên các sông mới được bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững.
Nguồn: Thiên Hậu/baoquangngai.vn