Tai biến y khoa ở Hòa Bình: Mới chỉ xem lại quy trình chuyên môn
Cấp cứu cho bệnh nhân sốc phản vệ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình |
Còn kết luận nguyên nhân vụ việc, TS Dương cho biết, đây là thẩm quyền của Bộ Công an.
Về công tác chuyên môn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khẳng định, Bệnh viện làm đúng quy trình, có test thử cho bệnh nhân trước khi chạy thận. Còn vụ việc liên quan tới Công ty Thiên Sơn, TS Dương cho biết, công ty Thiên Sơn chỉ sửa hệ thống lọc nước chứ không sửa máy chạy thận, nên khó có thể nói là do chất lượng máy không tốt.
Trước đó, làm việc với Sở Y tế Hòa Bình, PGS.TS Lương Ngọc Khuê và đoàn công tác của Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo công tác kiểm thảo tử vong đối với các bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình;
Yêu cầu Bệnh viện và đơn vị bảo dưỡng hệ thống đường ống nước phối hợp với Cơ quan điều tra tìm rõ nguyên nhân gây ra sự cố. Đồng thời, thành lập Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên Hội đồng có các chuyên gia liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo như máy thận nhân tạo, quy trình vận hành, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước... của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội... và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Sở Y tế lập phương án khắc phục và lựa chọn cơ sở điều trị để hỗ trợ 100 bệnh nhân cần lọc máu chu kỳ sớm được lọc máu tại địa phương.
Đoàn công tác đã đi thăm và khảo sát tại Bệnh viện Thành phố Hòa Bình và bàn với Sở Y tế Hòa Bình nên mở rộng khoa Thận nhân tạo tại đây. Trước mắt cần bổ sung cho Bệnh viện Thành phố Hòa Bình từ 10-15 máy chạy thận nhân tạo để hỗ trợ người bệnh chạy thận nhân tạo không phải xuống Hà Nội lọc máu định kỳ.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014;
Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
Trước đó, sáng 29/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 18 bệnh nhân đến lọc máu chu kỳ và sau đó 40 phút, cả 18 bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ như nôn, đau bụng, ngứa và nhiều bệnh nhân rơi vào hôn mê. Đến hết ngày 29/5 đã có 7 bệnh nhân tử vong sau sốc phản vệ.
Còn bệnh nhân Nguyễn Bích Ng. 45 tuổi, tử vong vào ngày 4/6.
Vụ việc này đã được Bộ Y tế và cả nước quan tâm vì đây là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong lịch sử của chuyên ngành chạy thận nhân tạo.