Sơn La: Tập huấn, hướng dẫn gần 300 lượt người phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT TP Sơn La, hiện trên địa bàn TP có khoảng hơn 35.000 con gia cầm. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và TP Sơn La nói riêng chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, vì vậy thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H5N1 trên gia cầm và người, UBND Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành, phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm A/H5N1.
Theo đó, nội dung tuyên truyền gồm các dấu hiệu nhận biết gia cầm mắc bệnh cúm, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú ý; đặc biệt người tiêu dùng chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng.
Khi phát hiện gia cầm nghi mắc bệnh cúm hoặc chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền, thú ý cơ sở, đồng thời nuôi nhốt gia cầm và áp dụng các biện pháp vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại.
Nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm vắc xin cho đàn gia cầm...
Hiện nay, dù TP chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng sau khi tiếp nhận thông tin nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, các cơ sở và người chăn nuôi đã tập trung các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, như phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột; tăng cường sức đề kháng cho gia cầm bằng những phương pháp chăm sóc đặc biệt, như trộn thêm vào cám các loại thuốc Vitamin C, Para C và chất điện giải để đàn gia cầm được tăng sức đề kháng.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã mở 1 lớp tập huấn và hướng dẫn gần 300 lượt người các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; cung ứng hơn 1.000 con gà giống có nguồn gốc và gói chế phẩm Balasa làm đệm lót gà cho các hộ chăn nuôi.
Trung tâm cũng đang tiếp tục cung cấp các vắc xin niu-cát-xơn, tụ huyết trùng gia cầm, góp phần phòng chống dịch cúm hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát những địa bàn trọng điểm, nhất là những địa bàn có ổ dịch cũ, để kịp thời phát hiện xử lý.
Tại các địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều trang trại,hộ dân nuôi gia cầm cũng các lò mổ, chợ dân sinh, công tác phòng chống dịnh bệnh đang được triển khai tích cực, các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình luôn theo dõi sát thông tin dịch bệnh qua phương tiện truyền thông và tuân thủ hướng dẫn của thú y cơ sở và chuẩn bị sẵn một lượng lớn vôi bột và chủ động phun thuốc khử trùng cho chuồng trại để phòng bệnh cúm gia cầm.
Trên thực tế, dịch cúm gia cầm đã từng xảy ra và đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, do bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm. Đặc biệt, cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Vì thế, cấp ủy chính quyền các cấp đã chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bệnh dịch cúm gia cầm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tổ chứckiểm tra, kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống không đúng nơi quy định; lực lượng cán bộ thú y tại các xã, bản tăng cường rà soát đàn gia cầm nhập nuôi mới ở các hộ dân, kiểm soát công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, góp phần làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.