Sợ béo, mua 50kg mít, 10 buồng chuối tươi về sấy ăn Tết
Cho rằng hoa quả sấy khô là thực phẩm có thể ăn thỏa thích mà không làm tăng cân, chị em rần rần bảo nhau mua hoa quả sấy ăn Tết và tiếp khách. Phân tích của chuyên gia khiến nhiều người giật mình.
Tranh thủ dịp trước Tết hơn một tháng hoa quả rẻ vì không xuất khẩu được, nhà lại sẵn có lò nướng cỡ đại, chị Nguyễn Vân Anh (Cầu Diễn, Hà Nội) đã mua 5 quả mít thái (ước khoảng 50kg), 60 quả dứa, 10 buồng chuối về sấy.
“Tết nhà tôi thường về quê ăn Tết với họ hàng. Mà ở quê hoa quả tươi cũng không nhiều, không ngon như Hà Nội, do đó tôi chỉ mua một chút đồ tươi, còn lại mang hoa quả sấy về vừa ăn vừa dùng tiếp khách. An toàn lại không lo béo”, chị Vân Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ (BS) Quỳnh Trang, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, quan niệm này không hoàn toàn đúng.
Bác sĩ phân tích, hoa quả sấy (bằng phương pháp phơi khô, sấy khô, sấy lạnh) đã được loại bỏ gần như toàn bộ lượng nước. Nhờ đó, trái cây sấy khô có thời hạn bảo quản lâu hơn so với trái cây tươi, cũng là món ăn nhẹ tiện dụng, được yêu thích trong các dịp lễ, Tết.
Trái cây khô là nguồn chất xơ và các chất chống oxy hóa dồi dào gần như trạng thái tươi. Nho khô cung cấp các vi chất như sắt, kali, canxi; các loại mận khô chứa một số vitamin A, K…
Quá trình sấy khiến hàm lượng đường tự nhiên trong trái cây, rau củ sấy khô thường cao hơn hẳn trái cây tươi, do đó lượng calo cũng cao hơn.
Ăn nhiều hoa quả sấy vẫn... béo như thường. |
“Ví dụ, 100gr xoài chín cung cấp khoảng 62 calo, trong khi 28gr xoài sấy dẻo chứa hơn 100 calo. Điều này có nghĩa là, ăn quá nhiều trái cây sấy khô có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe: Đường huyết tăng đột ngột, sâu răng, tăng cân, rối loạn tiêu hóa…”, BS Quỳnh Trang nói.
Chưa kể, trong quá trình sản xuất hoa quả sấy, một số sản phẩm được thêm chất bảo quản chứa sulfite, chất tạo màu, đường phụ gia… Trái cây khô được bảo quản không đúng cách cũng có thể bị nhiễm các loại nấm mốc có hại cho sức khỏe.
Vì thế, khi mua hoa quả sấy khô, đặc biệt trong dịp năm mới, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đóng gói kín và không tẩm ướp thêm đường. Đối với các sản phẩm bán theo khối lượng lớn, bạn nên chọn mua ở những nơi uy tín, có giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, do trái cây sấy khô chứa nhiều đường, bạn nên sử dụng ở lượng vừa đủ để không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đặc tính quan trọng nhất của các loại trái cây tươi là cung cấp vitamin, nước, khoáng chất; còn trái cây sấy khô được chế biến bằng cách loại bỏ nước. Về bản chất, hoa quả sấy vẫn cung cấp năng lượng, chất bột đường. Năng lượng nhiều sẽ không tốt cho các đối tượng thừa cân, béo phì, đái thái đường. Điều này càng nguy hiểm khi trái cây sấy có khối lượng nhẹ, trong khi năng lượng vẫn nhiều khiến người ăn khó kiểm soát lượng nạp vào dạ dày. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo hiện nay lại lan truyền về tác dụng tốt cho tim mạch cũng như giảm béo của món ăn vặt này. Bà Lâm khẳng định ''điều này hoàn toàn mâu thuẫn''.
Việc sử dụng hoa quả sấy khô cần được hiểu đúng, thực hành đúng.
“Thông thường, ở các hãng sản xuất uy tín, trên bao bì các sản phẩm hoa quả sấy khô thường sẽ ghi rõ khẩu phần ăn theo gram, lượng đường và calo trong mỗi khẩu phần. Nếu ước lượng bằng mắt, bạn chỉ nên ăn lượng hoa quả sấy khô bằng 1 vốc trong lòng bàn tay.
Ngoài ra, bạn không nên thay thế hoàn toàn trái cây, rau củ tươi bằng hoa quả sấy khô trong thực đơn hàng ngày. Hoa quả sấy khô không chứa nước nên sẽ không giúp bạn no lâu như trái cây, rau củ tươi”, BS Quỳnh Trang thông tin.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên kết hợp hoa quả sấy khô với protein và chất béo lành mạnh để ngăn đường huyết tăng cao đột ngột.
Theo đó, một số thực phẩm dễ kết hợp với hoa quả sấy khô gồm: Sữa chua Hy Lạp hoặc sữa chua không đường, các loại hạt khô, yến mạch… Bạn còn có thể thêm trái cây sấy khô (nho, nam việt quất, chà là…) vào món salad để tạo vị ngọt tự nhiên.
Bác sĩ chỉ cách ăn Tết khỏe mạnh, đường huyết, mỡ máu không tăng vùn vụt
Đái tháo đường, rối loạn đường huyết, rối loạn lipid máu, tăng acid uric máu là nhóm bệnh chuyển hóa thường gặp nhất và thường có xu hướng gia tăng sau mỗi kì nghỉ lễ Tết.
N. Huyền