Singapore làm thế nào để đạt kỷ lục tiêm chủng?
Singapore đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ tiêm chủng với gần 87% cư dân nước này đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà chức trách Singapore vẫn tiếp tục gặp khó khăn với những người từ chối tiêm vắc xin vì lý do cá nhân.
Khoảng một tháng trước có thông báo rằng đối với những công dân địa phương hoặc người nước ngoài thường trú tại Singapore từ chối tiêm chủng, thì chính phủ nước này từ ngày 8/12 sẽ ngừng chi trả cho việc điều trị với người mắc Covid-19.
Cảnh báo này không áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi và những người không được phép tiêm vắc xin vì lý do y tế, do đó họ vẫn có thể nhận được trợ cấp.
Sở hữu hệ thống y tế tốt là “chìa khóa” giúp Singapore có thể gắn bó với chiến lược chung sống an toàn với đại dịch. (Ảnh: EPA-EFE) |
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung giải thích, các biện pháp như vậy là do chính những bệnh nhân chưa tiêm chủng chiếm phần lớn những ca bệnh cần điều trị gây tốn kém trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Và chính vì những điều đó mà hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore gần đây đã phải chịu quá tải nặng nề.
Sẵn sàng trả tiền điều trị Covid-19
Để mọi người hiểu rõ ràng chi phí điều trị Covid-19 có thể là bao nhiêu, Bộ Y tế Singapore đã công bố hóa đơn trung bình cho các dịch vụ y tế. Trong trường hợp diễn biến bất lợi, khi một người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, hóa đơn trung bình sẽ là khoảng 18,5 nghìn USD. Chi phí này bao gồm việc ở lại phòng chăm sóc đặc biệt, sử dụng thiết bị đặc biệt và một liệu trình điều trị chống co giật.
Theo các nhà chức trách Singapore, công dân và người nước ngoài có tình trạng thường trú sẽ vẫn có thể sử dụng hệ thống bảo hiểm xã hội tích lũy. Trong trường hợp này số tiền sẽ giảm xuống còn 1,5-3 nghìn USD, tổ chức bảo hiểm địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho khách hàng bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào.
Một khoản chi phí khác cho những cư dân chưa tiêm phòng ở Singapore có thể xuất hiện trong trường hợp bị mắc Covid-19 sẽ được chuyển đến các trung tâm cách ly đặc biệt. Bệnh nhân ở đó trong 7 ngày sẽ tốn 3,3 nghìn USD.
Cuộc sống mới với vắc xin
Singapore là một trong những quốc gia trên thế giới đi tiên phong chuyển mô hình chống dịch từ “diệt tận gốc Covid-19” (zero Covid) sang “sống chung” với Covid-19 trên cơ sở các hạn chế xã hội khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tiêm chủng.
Vì vậy, ngay từ đầu, chính phủ Singapore đã cho phép mở cửa quán cà phê và ăn uống trong nhà hàng, tập thể dục trong phòng kín khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Sau đó, những cư dân chưa tiêm chủng bị cấm vào các trung tâm mua sắm lớn, rạp chiếu phim, hầu hết các địa điểm tổ chức hòa nhạc, ngoại trừ các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc.
Từ tháng 1 năm sau, chỉ những người đã hoàn thành đầy đủ các đợt tiêm chủng, điều trị y tế hoặc bị mắc Covid-19 trong 270 ngày qua mới có thể đi làm. Nếu không, người đó phải làm xét nghiệm PCR bằng chi phí cá nhân và người sử dụng lao động có quyền cho những nhân viên đó nghỉ việc không lương hoặc sa thải.
Thậm chí một vài tháng trước đây chính quyền địa phương còn bắt đầu mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài và cho phép cư dân địa phương đến thăm một số quốc gia.
Trong vài tháng qua Singapore đã thiết lập các cơ chế như vậy với Australia, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Canada và Mỹ. Điều này có nghĩa là người dân có thể nhập cảnh vào Singapore nếu đã tiêm vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận và xét nghiệm PCR âm tính.
Mũi vắc xin tăng cường
Chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường bắt đầu ở Singapore vào tháng 9, đến nay khoảng 27% cư dân của nước này đã tiêm mũi thứ 3. Những người đầu tiên được tiêm liều tăng cường là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội - những người từ 60 tuổi trở lên. Giờ đây, chương trình đã được mở rộng cho những nhóm người khác đã có 5 tháng kể từ lần tiêm mũi thứ 2.
Theo giới chuyên gia, đến nay số trường hợp mắc mới tại Singapore ngày một giảm dần, qua đó khẳng định quốc gia này đang đi đúng hướng, ngay cả khi biến thể mới Omicron xuất hiện. (Ảnh: Reuters) |
Đồng thời, các chuyên gia của Bộ Y tế Singapore khuyến cáo nên thực hiện tiêm mũi thứ 3 với các loại vắc xin dựa trên công nghệ mRNA - Moderna hoặc Pfizer-BioNTech.
Tiêm chủng như một điều kiện để vượt qua đại dịch
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, chính quyền Singapore đã áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với virus. Nhờ những hạn chế nghiêm ngặt về mặt xã hội, tình trạng giam giữ kéo dài, tiền phạt cao và đôi khi bị phạt tù vì vi phạm các quy tắc đã được thiết lập, Singapore ở một số thời điểm nhất định đã đạt được gần như hoàn toàn không có trường hợp mắc mới. Tuy nhiên, với sự ra đời của biến chủng Delta nước này phải đối mặt với sự gia tăng mới về tỷ lệ mắc và dẫn đến mất kiểm soát virus.
Do đó, chính phủ Singapore đã xác định Covid-19 sẽ vẫn tồn tại trong xã hội và xây dựng kế hoạch thoát khỏi đại dịch, đồng thời chuyển sang giai đoạn “sống chung” với Covid-19, khi đó virus sẽ ngang với bệnh cúm hoặc SARS. Tiêm chủng hàng loạt cho người dân được coi là một trong những điều kiện chính.
Sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 80%, chính quyền bắt đầu dỡ bỏ dần các hạn chế xã hội, nhưng gần như ngay lập tức quốc gia này phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao do các biến chứng do Covid-19 gây ra, cũng như sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc mới.
Nhưng bây giờ, các nhà chức trách Singapore có thể nói rằng đỉnh điểm của tỷ lệ mắc bệnh đã qua và hiện nay trung bình khoảng 1 nghìn trường hợp mới được ghi nhận mỗi ngày.
Có lẽ điều quan trọng nhất mà chính quyền Singapore muốn nhấn mạnh là mặc dù dịch bệnh vẫn bùng phát với quy mô lớn, nhưng chính nhờ việc tiêm vắc xin gần như 99% người dân bị mắc bệnh trên cả nước hầu như không có triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy hơi khó chịu tương tự bệnh SARS thể nhẹ.
Các nhà khoa học Nam Phi đánh giá nguy cơ tái nhiễm Covid-19 với Omicron
Các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện ra rằng nguy cơ tái nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron cao hơn nhiều so với sự lây lan của các chủng Delta hoặc Beta.
Thanh Bình (lược dịch)