Siết tín dụng bất động sản, doanh nghiệp cần làm gì?
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định sửa đổi Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN nhằm hạn hạn chế vốn vay cho lĩnh vực bất động sản để tránh rủi ro nợ xấu. Theo quyết định này, kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS năm 2019.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, khi tín dụng bất động sản bị siết lại, các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ tăng lãi suất vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay bất động sản, do đó lãi suất cho vay bất động sản có khả năng sẽ tăng.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, khi hệ số rủi ro cho tín dụng bất động sản tăng cao từ 150% lên 200% sẽ buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay bất động sản hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó, có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho phần lợi nhuận bị thiệt hại.
“Lãi suất cho vay bất động sản cao gây bất lợi cho cả nhà kinh doanh, đầu tư bất động sản, cũng như người mua, vì giá bất động sản có thể sẽ tăng và việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế”, ông Hiếu chia sẻ.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA), lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tín dụng.
“Lộ trình giảm dần sự phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn tín dụng ngân hàng là phù hợp với phương thức hoạt động của thị trường bất động sản, như tại các nước có nền kinh tế phát triển minh bạch, lành mạnh thì các Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản, thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản.
Do vậy, việc thực hiện lộ trình giảm dần sự phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo áp lực có tính tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn huy động từ khách hàng” – ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Để thích ứng với với lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số khuyến nghị với doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, ngoài việc các doanh nghiệp cần trở thành nhà cung cấp uy tín; đảm bảo các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng thì HoREA còn khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ.
Ngoài ra, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp; và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản mạnh.
Các doanh nghiệp xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, và các doanh nghiệp lớn phấn đấu để niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.
Đồng thời, các doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp...