Sản xuất sôi động, hỗ trợ triển vọng kinh tế
Kết quả tích cực được ghi nhận trong cả ba lĩnh vực của nền kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, và dịch vụ.
Các kết quả nói trên phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và tổ chức trong nước dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 sẽ vượt mục tiêu chính phủ đề ra là 6,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) 9 tháng đầu năm tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2012 đến nay.
Trong đó, sản xuất nói riêng tăng mạnh 12,9%, đóng góp 9,9 điểm phần trăm trong tổng số điểm tăng thêm. PMI giảm xuống 51,5 điểm, mức thấp nhất 10 tháng qua, nhưng vẫn cao so với các thị trường mới nổi khác.
Theo dự báo, hoạt động sản xuất sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh nói trên trong quý 4 với nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, đóng góp lớn hơn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và nhà máy thép Formosa vào cuối năm.
Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. |
Giải ngân FDI tiếp tục ổn định, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 9/2018, có thêm 2 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, và tính chung 9 tháng đầu năm lượng vốn FDI giải ngân đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, FDI đăng ký trong 9 tháng đầu năm gần như không đổi so với cùng kỳ năm năm 2017, đạt 25,37 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4%. Ngành sản xuất-chế biến-chế tạo tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nhất khi thu hút 11,3 tỷ USD, hay 45% tổng FDI, theo sau là bất động sản (22%), trong đó có dự án Smart City.
Nhật Bản tiếp tục là nước đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với tổng cộng 7 tỷ USD vốn FDI cam kết, chiếm 28% tổng vốn đăng ký.
Về lĩnh vực tiêu dùng, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Niềm tin người tiêu dùng cải thiện giúp tiêu dùng khả quan trong 9 tháng đầu năm, theo đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%, nếu loại bỏ yếu tố giá tăng 8,8%.
Kết quả này đã phần nào được phản ánh vào giá trị gia tăng của ngành bán buôn và bán lẻ, với mức tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực dịch vụ (8,48%), và đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Do giải ngân đầu tư công chậm, tình hình ngân sách cũng được cải thiện, trong khi thu ngân sách vẫn đạt đúng tiến độ. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam thâm hụt ngân sách 26.800 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 61.600 tỷ đồng của cùng kỳ.
Tín hiệu lạc quan nữa đó là thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng. Thặng dư thương mại tiếp tục tăng thêm 700 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, đạt 5,1 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 178,9 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đạt 173,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán Bản Việt, mặc dù tăng trưởng nhập khẩu có thể tăng tốc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, xuất khẩu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định giúp cải thiện số thặng dư thương mại.
Điểm đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm là lạm phát tăng vào mùa năm học mới. CPI tháng 9 tăng 0,59% so với tháng 9 và 3,98% so với tháng 9/2017 do học phí tại 49 tỉnh thành tăng và hai đợt tăng giá xăng trong tháng.
Đến cuối năm, lạm phát có thể sẽ chịu áp lực từ giá dầu tăng và dịch cúm heo châu Phi, đe dọa thị trường thịt heo trong nước. Trong 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2%, tương đương mức tăng 3,57% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu 4% do Chính phủ đề ra trong khi lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm trung bình ở mức 1,41%, thấp hơn mục tiêu là 1,6%-1,8%.
Một trong những điểm sáng tiếp theo giúp ổn định vĩ mô là VND luôn ở mức ổn định về giá dù FED tăng lãi suất đối với USD. Tinh đến cuối tháng 9, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng là 23.315VND/USD, mất giá 2,65% so với đầu năm, và không đổi so với cuối tháng 8.
Sự ổn định của VND là nhờ số liệu thương mại tích cực, bao gồm thặng dư thương mại 2,2 tỷ USD trong tháng 8 và 700 triệu USD trong tháng 9; FDI và FII ổn định, cung USD từ NHNN và chênh lệch dương giữa lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo VND sẽ không trượt giá quá 3,8% so với đồng USD trong năm 2018, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ về việc giữ cho đồng nội tệ sẽ không trượt giá quá 2% trên cơ sở tỷ giá trung tâm của NHNN.
Cùng với đó, theo ước tính của NHNN, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9,52%, thấp hơn so với mức 11,02% cùng kỳ năm ngoái, trong khi cung tiền M2 đã tăng nhanh hơn đạt 8,74% tính từ đầu năm.
Kết quả này phù hợp với Chỉ thị 04/CT-NHNN 2018 nhằm giảm áp lực lạm phát. Do đó, dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2018 sẽ đạt khoảng 15%, một mức tăng trưởng hợp lý hơn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.