Sai lầm vì nghĩ xì gà an toàn hơn thuốc lá
Ảnh minh họa |
Thể hiện đẳng cấp
Anh Nguyễn Văn Tùng - 1 doanh nhân bất động sản quận Tây Hồ, Hà Nội khoe mỗi tháng anh đều sử dụng hết một hộp xì gà có giá khoảng 17 triệu đồng. Nghĩ về con số bỏ ra để hút xì gà nhiều người không khỏi giật mình tuy nhiên với anh Tùng nó cũng quan trọng như một cách tự tạo uy tín, lăng xê cho mình.
Những ngày trước anh chỉ sử dụng xì gà vào dịp Tết, tiếp khách nhiều thì giờ đây nó trở thành thứ có sẵn trong túi áo hoặc cặp sách của mình bất cứ lúc nào.
Anh Tùng tin rằng nó vừa thể hiện đẳng cấp và không lo ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi gặp khách VIP anh cũng lôi hộp xì gà ra mời người ta. Anh Tùng cũng được người bán tư vấn rằng khói thuốc xì gà thường không được hít vào nên đỡ nguy hiểm và ít gây nghiện hơn thuốc lá điếu bình thường.
Hay như trường hợp của anh Đỗ Văn Thái - giám đốc Maketting cho một công ty thiết bị y tế cho biết từ lúc tập hút xì gà khoảng 4, 5 năm trước thì giờ đây anh thành nghiện.
Mỗi lần mua tặng khách hàng anh Thái cũng cố ẵm cho mình 1 hộp để dùng dần. Với giá xì gà hiện nay có rất nhiều loại nhưng anh Thái thích mua xì gà của Cuba. Không riêng gì anh Thái, những đối tác của anh cũng nghiền xì gà vì thể hiện đẳng cấp.
Một buổi hội nghị khách hàng với các đối tác từ Châu Âu, cả hội trường đua nhau lôi xì ga ra hút như thể hiện đẳng cấp, phong cách của chính công ty mình. Đó cũng là điều mà hiện nay gặp nhau người ta thay vì mời thuốc lá sẽ mời xì gà.
Khi được hỏi về tác hại của xì gà, anh Thái vẩy tay "đắt xắt ra miếng". Anh Thái yên tâm nó sẽ tốt hơn dùng thuốc lá.
Tác hại của xì gà
Xì gà là một loại thuốc lá được sấy khô, qua quá trình cất ủ tự nhiên trong nhiều năm sau đó bó và quấn chặt thành từng điếu giống như điếu thuốc lá. Về chất liệu, cơ bản xì gà là thuốc lá, còn về hình thức xì gà lớn gấp đôi thuốc lá và mùi vị khác với các loại thuốc lá công nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong mùi vị giữa thuốc lá công nghiệp và xì gà đó là do cách thức sản xuất ra xì gà. Với thuốc lá bình thường, người ta thường cắt nhỏ sợi lá của cây thuốc lá sau đó sấy khô, còn với xì gà thường để nguyên lá thuốc, và chính vỏ bọc của xì gà cũng là lá cây thuốc lá.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Xuân Bang, Phó trưởng Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Cả xì gà và huốc lá đều được làm từ lá thuốc lá, chỉ khác nhau ở quy cách và cách hút. Mặc dù người hút xì gà không hít mạnh luồng khói vào phổi nhưng những chất độc trong khói thuốc khi xâm nhập vào đầu cổ họng, tích tụ lâu ngày vẫn có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm miệng, thanh quản, thực quản, phổi và các bệnh liên quan đến tim mạch...
Lượng nicotine trong xì gà rất cao nên khi hút, nicotine còn bám trên miệng, lưỡi và vòm họng, gây nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến miệng và vòm họng. Hơn nữa, hầu hết các loại xì gà đều có kích cỡ lớn hơn và chứa nhiều thuốc hơn thuốc lá. Hút 1 điếu xì gà có thể mất từ 1 đến 2 giờ trong khi chỉ mất khoảng 10 phút để hút xong 1 điếu thuốc lá. Do thời gian hút lâu hơn nên việc tiếp xúc với các chất độc hại như cacbon monoxit, hydrocarbon, amoniac, cadmium… cũng dài hơn.
Khói nhả ra từ những điếu xì gà cũng rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, xì gà là một loại thuốc lá được sấy khô, bó và cuộn chặt thành từng điếu. Lá thuốc lá trong xì gà thường để nguyên, không thái sợi. Do nguyên liệu hoàn toàn là thuốc lá, lại có kích thước lớn hơn điếu thuốc lá thông thường nên xì gà không tốt cho sức khỏe, được khuyến cáo hạn chế sử dụng như thuốc lá.
Nghiên cứu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ đã chỉ ra, trong máu của những người hút xì gà đều có hàm lượng cotinine, cadmium, chì và NNAL (những chất có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp). Với những người chuyển từ hút thuốc lá điếu sang xì gà, hàm lượng cotinine, chất chuyển hóa nicotine và NNAL trong máu cao hơn đáng kể. Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và giảm tuổi thọ, việc hút xì gà còn khiến cơ thể luôn có mùi hôi khó chịu.
Cai xì gà, thuốc lá không đơn giản, nhưng cũng không phải là quá khó. Vì sức khỏe của gia đình, bản thân và cộng đồng, vì môi trường sống, những người hút thuốc lá nói chung và xì gà nói riêng cần phải kiên trì, nỗ lực để từ bỏ thói quen xấu này.