Quý 1, khó xảy ra khan ngoại tệ
Quý 1, khó xảy ra khan ngoại tệ
Liệu đây đã là tín hiệu khả quan để củng cố niềm tin, rằng tỷ giá ngoại hối có thể giữ được mức tăng không quá 3% như thông điệp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra?
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kiểm soát tỷ giá VND/USD chỉ có thể hiệu quả khi sử dụng đồng bộ các giải pháp kinh tế, chứ không chỉ hô hào hay biện pháp hành chính suông.
![]() |
TS. Cao Sỹ Kiêm: Kiểm soát tỷ giá VND/USD chỉ có thể thực hiện được nếu thực hiện đúng biện pháp kinh tế |
3 yếu tố cần kiểm soát
Thưa ông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa đưa ra thông điệp, rằng tỷ giá ngoại hối trong năm 2012 sẽ chỉ dao động tăng ở mức 2-3%, đồng nghĩa đồng Việt Nam sẽ không bị mất giá nhiều (năm 2011 đồng Việt Nam mất giá tới 10,27%). Ông có niềm tin rằng tỷ giá sẽ không vượt quá mức này?
Tỷ giá ngoại hối tăng mạnh hay không và có vượt quá mức 3% như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói hay không phụ thuộc và khả năng điều hành và chỉ đạo chính sách của cơ quan điều hành. Chứ nếu chỉ hô hào suông, dùng biện pháp hành chính mà không có biện pháp kinh tế hiệu quả thì không thể kiểm soát được. Và như thế, mục tiêu tăng không quá 3% khó có khả năng thực hiện được.
Cụ thể "nghệ thuật" điều hành mà ông đề cập tới là gì?
Mục tiêu kiềm chế mức tăng tỷ giá hối đoái không quá 3% chỉ khả thi nếu thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Căn cơ nhất là 3 yếu tố: cán cân thương mại, nhập siêu nếu không kiểm soát được thì tỷ giá sẽ lại bùng lên và quản lý ngoại hối chặt chẽ, loại bỏ được yếu tố đầu cơ thao túng thị trường. Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa cũng phải rất nhịp nhàng. Nếu thực hiện và kiểm soát được đồng bộ 3 yếu tố này thì tôi cho rằng khả năng kiểm soát tỷ giá 2-3% là hoàn toàn thực hiện được.
Thực tế, nhu cầu nhập vật tư nguyên liệu dành cho sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian nửa đầu năm 2012 là không nhiều; dự báo cán cân thương mại năm 2012 cũng sẽ chỉ tương đương năm 2011 thôi, nên có thể nhu cầu đồng ngoại tệ trong thời gian đầu năm 2012 không quá lớn.
![]() |
Theo TS. Kiêm, quý I/2012 khó xảy ra hiện tượng khan hiếm ngoại tệ như năm 2011 |
Quý I/2012: Khó xảy ra khan ngoại tệ
Vài năm gần đây nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp luôn tăng đột biến, ảnh hưởng tới nguồn cầu ngoại tệ, khả năng cân đối ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng... Liệu tình trạng khan hiếm đồng đô la Mỹ thời gian tới có tiếp diễn, thưa ông?
Tôi cho rằng, ít nhất từ nay tới hết quý I/2012 khó xảy ra hiện tượng khan hiếm ngoại tệ như năm ngoái. Lý do là bởi nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhu cầu mua sắm vật tư thiết bị của doanh nghiệp thời gian đầu năm cũng chưa cao... Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ những năm trước, khả năng quản lý ngoại hối của cơ quan điều hành đã cải thiện, nhịp nhàng hơn. Nhưng dù thế nào, mọi biện pháp không gì tốt bằng sử dụng công cụ kinh tế, nghĩa là phải nâng giá trị tiền đồng và củng cố niềm tin của người dân đối với đồng nội tệ.
Điểm đáng lưu ý trong thông điệp mà Thống đốc đưa ra, là tỷ giá chỉ kiểm soát được dưới 3% với điều kiện lạm phát ở mức một con số. Những phân tích vĩ mô gần đây cho thấy, đưa chỉ số này về mức dưới 10% là một thách thức lớn, thưa ông?
Tốc độ tăng lạm phát hiện tại đang được kiểm soát tốt, và tốc độ này theo tôi sẽ giảm dần chứ khó tăng vọt như năm 2011. Khả quan nhất là chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 1% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tất nhiên, chúng ta không thể thấy chỉ số tháng 1 thấp là đã có thể mừng ngay, và còn phải theo dõi chặt chẽ chỉ số các tháng tới, đặc biệt tháng quý II/2012...
Nếu tốc độ tăng lạm phát tăng trở lại vào thời điểm cuối năm 2012 sẽ khiến tỷ giá ngoại hối tăng lên và có thể diễn biến theo kịch bản không mong muốn. Vì thế, chúng ta cần rất cẩn trọng.
Một trong những nguồn hỗ trợ cung ngoại tệ đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng thời gian cuối năm 2011 con số này không mấy khả quan. Liệu có ảnh hưởng tới nguồn cung ngoại tệ thời gian tới?
Nguồn cung ngoại tệ tăng lên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xuất khẩu, giảm nợ công, chi tiêu công... chứ không chỉ riêng có FDI. Thêm nữa, khi các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vốn đầu tư vào Việt Nam thì cũng có độ trễ giải ngân vốn. Có những dự án đăng ký năm 2010, 2011 tới năm 2012 sẽ rót vốn vào. Cộng với sự cải thiện từ chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới, thì chắc chắn dòng vốn này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung ngoại tệ trong nước.
Năm 2011, đồng Việt Nam đã mất giá tổng cộng 10,27%. Điều này là hệ quả của "cú sốc" tăng tỷ giá vào hồi tháng 2/2011. Vào thời điểm cuối năm, bằng các giải pháp mạnh tay Ngân hàng Nhà nước đã giữ mức tăng tỷ giá ngoại hối giữa VND/USD tăng không quá 1%. |
Trường Giang
(thực hiện)