Quảng Ninh: Phát triển ngành thủy hải sản giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định
Quan tâm đầu tư và phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản theo đúng hướng, ngành thủy sản Quảng Ninh khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, gặt hái những kết quả tích cực giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định.
Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh thì thời gian qua đơn vị này đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tôm tiên tiến, chuyển dịch từ phương thức quảng canh cải tiến sang thâm canh, siêu thâm canh, nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, tiên tiến.
Đến nay, các hộ dân đã thu hoạch tôm thương phẩm với giá bán bình quân từ 134 - 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đạt trên 1,2 tỷ đồng/ha. Ngoài năng suất và sản lượng tôm nuôi đều vượt kế hoạch đặt ra, dự án còn mang lại hiệu quả xã hội, môi trường như: Dịch bệnh được kiểm soát tối đa, tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm được hạn chế, chất lượng sản phẩm cao hơn…
Đặc biệt, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản (ngư lưới cụ, thiết bị thông tin, ánh sáng, máy dò, tời thu lưới, thu câu, hầm bảo quản…) trong khai thác thủy sản xa bờ đã nâng cao khả năng vươn khơi bám biển của các tàu.
Nuôi cá bằng ô lồng tại huyện Vân Đồn |
Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã mạnh dạn đề xuất, triển khai mô hình thay thế hoàn toàn ánh sáng đèn truyền thống (đèn Siu) bằng đèn Led từ nguồn xã hội hóa công tác Khuyến nông với quy mô và nguồn kinh phí lớn nhất và đồng bộ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các địa phương Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên, Đông Triều… Trong đó tỉnh chú trọng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nuôi trồng theo hình thức công nghiệp, quan tâm đến một số loài thủy sản đặc hữu, những nguồn gen quý như rươi, sá sùng, ngán… và đang từng bước tác động phù hợp vào điều kiện tự nhiên qua việc giữ gìn điều kiện sinh thái vùng nuôi, tạo sinh cảnh phù hợp.
Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh; Dự án Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản…
Các dự án và mô hình khuyến ngư đã góp phần tăng sản lượng và chất lượng của ngành Thủy sản.
Quảng Ninh đã chủ động sản xuất giống thủy sản đạt 1 tỷ con giống/năm, đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu giống của tỉnh; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung có trọng tâm, trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nhằm thúc đẩy, nhân rộng các mô hình hiệu quả, ứng dụng KHCN; đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Song song với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Mặt khác, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Đặc biệt, thời gian qua ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc...
Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động trực tiếp đến nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có lợi thế sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch.
Hoàng Thanh