Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung xây dựng chiến lược với nhiều giải pháp nhằm đổi mới cơ cấu và từng bước đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương.
Cụ thể, Đà Nẵng là một trong số 28 thành phố ven biển của cả nước và là một trong số 14 tỉnh, thành phố có bờ biển của khu vực Miền Trung, có 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp với biển.
Thành phố có hơn 92 km bờ biển, với 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện. Biển đã và sẽ tạo ra vị thế phát triển cho thành phố Đà Nẵng thông qua các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển và đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng chiến lược của mình, thành phố đã Đà Nẵng đã ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển đảo thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng trong đó tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với các ngành, địa phương tại địa bàn vùng biển, ven biển nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Cùng với đó là xây dựng phương hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng đối với vùng biển đảo, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng biển đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Đồng thời định hướng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các lĩnh vực, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại vùng biển đảo và ven biển của thành phố.
Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển |
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm thiểu rủi ro về người và tài sản trên biển cho ngư dân, thành phố đã ban hành Quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo hình thức tổ.
Đây cũng là cơ sở để tạo khung pháp lý cho việc hình thành các tổ khai thác hải sản, chuyển hoạt động khai thác đơn lẻ thành tổ chức, nghiệp đoàn khai thác hải sản; hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; ngư trường khai thác; hỗ trợ vốn để mua ngư lưới cụ, trang bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ nhau về mặt tinh thần; hỗ trợ kết nối thông tin giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền và được đất liền hỗ trợ thông tin về dự báo thời tiết, hướng dẫn phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn….
Sau khi Tổ khai thác được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo bà con ngư dân, vì nó đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành khai thác hải sản, nguyện vọng của ngư dân, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền thành phố đối với người dân làm nghề biển.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đến nay toàn TP đã thành lập được 129 tổ đoàn kết hoạt động khai thác thủy sản với 840 tàu cá thành viên tham gia, trong đó có 94 tổ (575 tàu) hoạt động vùng khơi, 35 tổ (265 tàu) hoạt động vùng lộng và ven bờ. Việc ra đời các tổ đoàn kết này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con ngư dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn TP.
Trong khi đó, hiện tại các phường ven biển tại Đà Nẵng đã lựa chọn tuyển dụng đưa đi đào tạo nghiệp vụ để biên chế vào các đội Dân quân trên biển. Đây sẽ là lực lượng được biên chế riêng để hỗ trợ ngư dân trên biển khi gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Về định hướng phát triển của nghề biển những năm tới, đại diện Chi cục Thuỷ sản TP cho hay, với định hướng đến năm 2025, TP Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát triển ngành thủy sản với phương châm tiếp tục chuyển từ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.
TP Đà Nẵng sẽ thúc đẩy các hoạt động khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khái thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hoàng Thanh