Quảng Nam gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới
Quảng Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn. Khai thác tiềm năng sẵn có, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã ra đời và phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng nông thôn mới đã làm nên một diện mạo mới cho khu vực nông thôn Quảng Nam. Sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã tạo nên một sự thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, với sự hình thành và phát triển của các làng nghề OCOP, làng bích họa, làng nghề tiêu biểu ... cùng với đó là sự khôi phục và trở lại của nhiều làng nghề truyền thống, đang tạo nên những nét mới về văn hóa, hình thành các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP vừa mang đậm tính truyền thống vừa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Quảng Nam được biết đến là địa phương có lợi thế, tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề với nhiều cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn, tính đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa bản địa độc đáo như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang).
Tại Quảng Nam, những ngôi làng bình dị như: Làng rau Trà Quế, Làng gốm Thanh Hà, Làng rau An Mỹ, Làng chài Cù Lao Chàm, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, Triêm Tây (Điện Bàn), Làng trái cây Đại Bình (huyện Nông Sơn)… đã chinh phục được trái tim của du khách gần xa. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã làm đa dạng hóa loại hình du lịch dịch vụ, giảm áp lực lên các điểm du lịch chủ yếu của Quảng Nam là phố cổ Hội An và di sản văn hóa Mỹ Sơn, hướng đến chia sẻ nguồn lợi du lịch nhiều hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cũng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Một phần, giúp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Phần khác, nâng cao được ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút, giới thiệu đến khách du lịch.
Người dân ở các làng có tiềm năng du lịch đều nhận thức được việc đầu tư cho văn hóa, môi trường cũng chính là đầu tư để phát triển kinh tế. Do đó, bà con đã nỗ lực, chung tay xây dựng nơi đây thành những “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, những “Làng quê đáng sống” để thu hút khách du lịch.
Ảnh minh họa. |
Phát triển điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
Để tiếp tục phát huy những lợi thế của mình, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 1938 về triển khai Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch nông thôn; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025: Có trên 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và trên 95% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa; Lựa chọn và xây dựng 4 - 5 mô hình điểm Làng văn hóa du lịch, Điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới của từng vùng, đi vào hoạt động hiệu quả; Hằng năm, xây dựng 2 - 3 mô hình điểm về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Có ít nhất 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá và ít nhất 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển du lịch và 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển cảnh quan môi trường nông thôn gắn với phát triển du lịch.
Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, Quảng Nam đang hướng đến việc tận dụng lợi thế, tiềm năng của mình để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Ngọc Yến