Quảng Bình: Tăng cường tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới
Quảng Bình sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Đồng thời, khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Quảng Bình, hàng Việt Nam.
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Theo đó, Quảng Bình sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, ngành, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội nhằm khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Quảng Bình trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Quảng Bình, hàng Việt Nam; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và yếu tố đầu vào là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Quảng Bình, Việt Nam.
Tăng thời lượng, nâng cao chất lượng tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, sinh động đến Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động; giới thiệu tính ưu việt của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, sản xuất kinh doanh trong tỉnh, trong nước.
Đặc biệt, gắn nội dung cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước, "Dân vận khéo", xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong thực hiện cuộc vận động.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có cơ chế phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, thu hút được người tiêu dùng; tăng cường hỗ trợ, gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, dịch vụ.
Nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản trị, chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kết nối cung cầu, thanh toán không dùng tiền mặt… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Quảng Bình; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong tỉnh.
Mặt khác, các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và kênh thương mại hiện đại, kết hợp với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa của Quảng Bình và cả nước; tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả các loại hàng hóa; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của từng vùng, miền trong tỉnh gắn với các hoạt động, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Bình; xây dựng, phát triển chương trình, tuyến du lịch gắn kết với khu mua sắm, trung tâm thương mại hàng hóa Quảng Bình, chợ đầu mối, nhất là sản phẩm OCOP của từng địa phương trong tỉnh…
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng hóa của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng.
N.Yến