Quân đội Nga có gì thay đổi trong 15 năm qua?
Theo giới chuyên gia, việc hiện đại hóa quân đội Nga đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Putin thời gian gần đây đã biến việc hiện đại hóa quân đội là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Sau những năm bị “xem nhẹ” thời hậu Liên Xô, ngày nay Lực lượng vũ trang Nga đã nhận được những chiến đấu cơ, xe tăng và tên lửa mới nhất, cũng như nối lại các cuộc tuần tra máy bay ném bom chiến lược.
Quân đội Nga hiện tại sở hữu lực lượng binh lính tinh nhuệ cùng dàn vũ khí đa dạng, hiện đại và tiên tiến. (Ảnh: Vitalykuzmin) |
Trong thế kỷ 21, quân đội Nga đã từ lạc hậu về công nghệ đã trở thành một trong những quân đội mạnh nhất thế giới.
Cuối những năm 2000, Nga cuối cùng đã xác định các hướng chính của việc cải tổ quân đội, vốn trước đây được coi là một phiên bản thu nhỏ hơn của Lực lượng vũ trang Liên Xô. Trên thực tế, quân đội Nga đang được chuẩn bị để lặp lại các hoạt động quân sự như trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), tuy nhiên điều này không còn phù hợp với điều kiện của tình hình mới và các phương pháp tác chiến.
Những thay đổi trong việc tuyển dụng các lực lượng vũ trang
Những thay đổi nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hệ thống điều động của Lực lượng vũ trang Nga. Theo đó, các nhà lãnh đạo vẫn thực hiện lệnh gọi nhập ngũ trong quân đội, nhưng thời hạn phục vụ đã giảm xuống còn một năm. Dẫn đến số lượng thanh niên nhập ngũ cũng giảm đáng kể.
Do đó, theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga, vào mùa Thu năm 2021, có 127.500 người được gọi nhập ngũ, tức là khoảng 250.000 người nhập ngũ hàng năm. Nếu dựa trên tổng số Lực lượng Vũ trang Nga là khoảng 900.000 quân nhân, thì tỷ lệ được gọi nhập ngũ chiếm khoảng 28%.
Chính những thay đổi trong việc tuyển quân đã làm cho quân đội Nga có thể hình thành các đơn vị quân đội và các đội hình có khả năng giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu mà không cần triển khai huy động quân. Đồng thời, quân đội Nga vẫn duy trì một tiềm lực huy động quân sự đáng kể của mình.
Sự khác biệt chính giữa các đơn vị thường trực và phần còn lại của quân đội Nga là chỉ có những quân nhân phục vụ theo chế độ hợp đồng. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu huấn luyện liên tục các tân binh hai lần một năm.
Tất nhiên, vào thời Liên Xô, Lực lượng tên lửa chiến lược trên thực tế là lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu. Khi đó, rất ít lính nghĩa vụ thuộc các đơn vị phòng không và chống tên lửa tham gia nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng điều này trước đây chưa bao giờ được phổ biến cho các lực lượng mặt đất, mà trong thời kỳ Liên Xô không được sử dụng nếu như không triển khai huy động quân. Hơn nữa, có những đơn vị quân đội thiếu nhân sự, mà về nguyên tắc thì không thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Quân đội Nga được trang bị những gì?
Không kém phần quan trọng là việc tái trang bị kỹ thuật của quân đội Nga. Các cuộc xung đột vũ trang đầu những năm 2000 cho thấy Lực lượng vũ trang Nga đang ngày càng tụt hậu về mặt trang bị, không chỉ so với quân đội tiên tiến nhất (Mỹ), mà thậm chí còn so với đối tác của họ trong không gian hậu Xô viết là Gruzia.
Thời gian gần đây Nga chủ trương đẩy mạnh hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, cũng như thiết bị quân sự. (Ảnh: Vitalykuzmin) |
Điều này áp dụng cho cả hệ thống chiến đấu và hỗ trợ (ví dụ, hệ thống liên lạc, trinh sát và chỉ định mục tiêu). Quân đội Nga vẫn có một phần đáng kể vũ khí của Liên Xô, tuổi thọ của chúng có khi lên tới hơn 20 năm.
Sau đó, các biện pháp do nhà lãnh đạo Nga thông qua đã thành hiện thực vào năm 2014-2015 để tạo ra một đội quân mới về cơ bản có khả năng chiến đấu trong thời gian thực (trước đây chỉ có Mỹ mới làm được như vậy). Để làm được điều này, các kênh liên lạc vệ tinh mạnh mẽ đã được tạo ra. Các hệ thống trinh sát mặt đất, trên biển, trên không và vũ trụ bắt đầu truyền thông tin ngay lập tức qua các kênh điều khiển chiến đấu. Đặc biệt, điều này làm cho phép quân đội Nga có thể đưa ra chỉ định mục tiêu cho các loại hệ thống tấn công trực tuyến.
Hệ thống pháo binh, xe bọc thép và hàng không quân sự hiện đại cuối cùng đã được trang bị trong quân đội. Do đó, lực lượng mặt đất bắt đầu tiếp nhận ồ ạt xe tăng chiến đấu T-80 với hệ thống phòng thủ chủ động, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe bọc thép chở quân BTR-80, xe bọc thép GAZ-2330 Tigr, hệ thống tên lửa tác chiến Iskander, sau này thêm tổ hợp lựu pháo cỡ 152 mm mới có kết cấu 2 nòng với tên gọi Coalition-SV.
Đồng thời, quá trình hiện đại hóa vũ khí từ thời Liên Xô cũng đang diễn ra, điều này không chỉ kéo dài thời gian phục vụ mà còn mang đến cho vũ khí một chất lượng mới, bao gồm khả năng tiến hành chiến đấu vũ trang trong thời gian thực.
Bên cạnh đó, một bước đột phá về công nghệ là sự phát triển của các hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất và trên không, tên lửa hành trình Calibre trên biển, hệ thống tên lửa mang đầu đạn siêu thanh (tên lửa chiến lược Avangard, tên lửa Kinzhal phóng từ máy bay, tên lửa Zircon phóng trên biển).
Trong khi đó, máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và máy bay ném bom Su-34 của Nga được đánh giá là dòng chiến đấu cơ tốt nhất thế giới. Hơn nữa, quân đội Nga cũng đang dần dần lấy lại vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo các phương tiện bay không người lái.
Các quyết định được đưa ra trước đó trong lĩnh vực biên chế và tái trang bị kỹ thuật trong Lực lượng vũ trang Nga đã được khẳng định tính hiệu quả ở Syria kể từ mùa thu năm 2015. Nga đã nghiên cứu trong điều kiện thực tế cả những loại vũ khí mới nhất và thiết lập sự tương tác của chiến thuật cấp tiểu đoàn trên chiến trường.
Thanh Bình (lược dịch)
Vũ khí ‘khủng’ nhất thế giới có gì đáng sợ?
Paris Gun là tên đặt cho một loại pháo tầm xa của quân đội Đức được sử dụng để bắn phá Paris trong Thế chiến thứ nhất.