'Quái vật mạng' kiểu Momo, Huggy Wuggy lúc nào cũng có thể xuất hiện, thiết lập lá chắn bảo vệ con trẻ thế nào?
Bố mẹ nên chủ động hơn trong việc giúp con trẻ tiếp cận các nguồn video lành mạnh thay vì tự do xem các clip kinh dị, vô bổ trên Youtube, TikTok....
Bên cạnh những clip trên nền tảng Tiktok, Youtube có giá trị giải trí, giáo dục thì cũng xuất hiện không ít clip có nội dung phản cảm, thô tục ảnh hưởng tới tiêu cực tới người xem. Nếu như cách đây vài năm “thử thách Momo” liên tiếp bị cáo buộc khiến trẻ em hoảng loạn, học cách tự làm hại bản thân thì mới đây cảnh sát Anh lại đưa ra cảnh báo về một “quái vật” khác xuất hiện trên không gian mạng. Đó chính là một nhân vật hoạt hình Huggy Wuggy - một con gấu màu xanh với hàm răng sắc như dao cạo khiến nhiều trẻ em sợ hãi.
Huggy Wuggy đang xuất hiện trong nhiều video clip trên mạng Youtube. |
Huggy vốn là một nhân vật phản diện đến từ một trò chơi kinh dị sinh tồn có tên là Poppy Playtime, do nhà phát triển độc lập MOB Games thực hiện, xuất hiện lần đầu tiên trên Steam. Tham gia trò chơi này, người chơi sẽ vào vai một cựu nhân viên đang thăm lại nhà máy đồ chơi bị bỏ hoang thuộc sở hữu của công ty Playtime sau 10 năm tính từ khi các nhân viên công ty biến mất một cách bí ẩn.
Trong trò chơi, nhân vật thuộc giống gấu xanh này sẽ rượt đuổi và đe dọa các nhân vật khác một cách tàn bạo tới mức khiến nhiều trẻ em khó chịu và sợ hãi.
Cảnh sát Anh cho biết, mặc dù chỉ là sản phẩm tưởng tượng nhưng Huggy Wuggy có thể khiến trẻ em hoảng loạn. Các bậc cha mẹ nên cảnh giác với những video có chứa nhân vật này.
Hiện tại, nhiều phụ huynh Việt cho biết con mình đã từng xem clip có nhân vật này mà không hề hay biết tác hại của nó. Thậm chí, trên thị trường đồ chơi trẻ em đã bày bán Huggy Wuggy nhồi bông một cách khá phổ biến.
Trao đổi với phóng viên Infonet, TS. BS Trần thị Hồng Thu, PGĐ BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh viện chưa tiếp nhận bệnh nhân nhập viện vì ám ảnh do xem những clip kinh dị này.
“Tuy nhiên, việc xem nhiều những clip có nội dung kinh dị hoàn toàn không tốt đối với trẻ em”, TS. BS Hồng Thu cho hay.
Theo TS. BS Hồng Thu, không chỉ những clip có nội dung kinh dị mà clip nào nếu lạm dụng quá, xem một cách quá mức cũng không tốt, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần trong đó đáng ngại là tác động tập nhiễm hành vi. Tác động này càng nguy hiểm nếu xem quá nhiều những clip có nội dung mang tính chất tiêu cực.
"Khi trẻ hình thành tính tập nhiễm những hành vi đó, trẻ rất dễ bị ám ảnh gây ra những cảm xúc không lành mạnh”, TS. BS Hồng Thu cho hay.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh!
Trẻ con thường có tính hay tò mò, bắt chước làm theo mà không thể nhận thức được điều đó có nên hay không nên, tốt hay không tốt. Những video về "quái vật Momo" với thử thách tự tử đã gây ra những hệ quả hiện hữu.
Dư luận từng xôn xao trước thông tin tháng 11/2020 Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện tại địa bàn ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom đã xảy ra sự việc bé trai V.P.L. (8 tuổi) tử vong nghi do học theo "thử thách Momo".
Diễn biến sự việc xảy ra vào tối 21/11/2020, em L. ngồi xem tivi tại phòng khách cùng mẹ, anh trai và em trai của mình, sau đó vào nhà vệ sinh. Đến khoảng 21h, không thấy em L. ra khỏi nhà vệ sinh nên mẹ em bảo anh trai của L. gọi nhưng không thấy trả lời. Khi người nhà phá cửa nhà vệ sinh thì thấy L. treo lơ lửng ở sát tường. Gia đình đưa L. đi cấp cứu nhưng L. đã tử vong trước đó.
Thông tin từ phía gia đình cho biết, L. là một em bé rất hiếu động. Trong lúc chơi đùa hàng ngày, L. từng móc quần áo đang mặc trên người treo lủng lẳng vào cành cây. Cơ quan chức năng nghi bé L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo "thử thách Momo" trên mạng xã hội.
Trước khi xảy ra sự việc đau lòng ở Đồng Nai 1 tháng, một bé gái 5 tuổi ở TP HCM cũng đã mất mạng sau khi xem và làm theo video dạy cách "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.
Trước đó nữa, tháng 11/2019, một em bé 7 tuổi tại TP HCM học theo trò thắt cổ trên mạng mà suýt tử vong. Một trường hợp khác đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ cửa kính giống như các clip trên mạng...
Để tránh tái diễn những vụ việc đau lòng này, TS. BS Hồng Thu cho rằng các bậc phụ huynh nên hạn chế, không để trẻ lệ thuộc vào các video clip trên mạng.
“Bởi ngay cả những chương trình video dành cho trẻ em từ những nhà làm phim có thương hiệu lớn, được thừa nhận nhưng trẻ xem nhiều quá cũng chưa hẳn đã tốt. Những video đó đều có những mặt hại chứ chưa nói đến những clip không chính thống.
Khi mà trẻ trở nên lệ thuộc rồi thì khó chữa, do đó các bậc phụ huynh nên lưu ý khi trẻ chưa "nghiện" cũng đừng để thành thói quen”, TS. BS Hồng Thu cho hay.
Trẻ xem quá nhiều video trên mạng với thời lượng lâu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe. (ảnh minh họa) |
PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho rằng chẳng còn cách nào khác là phải phòng ngừa sớm các tác hại từ việc trẻ ham mê xem các video trên mạng xã hội.
“Bố mẹ phải quan tâm nhiều đến con, dành thời gian nhiều hơn để chơi với con, hướng con tới các hoạt động ngoài trời.
Những thiết bị điện tử là con dao hai lưỡi, bên cạnh việc mang lại cái hay tốt, giúp trẻ tiếp cận nhiều kiến thức mới… thì chúng cũng bộc lộ nhiều bất lợi. Vì thế bố mẹ nên thiết lập bộ lọc, hướng con xem những chương trình bổ ích, kiểm soát, thận trọng với những clip thiếu tính giáo dục, nhân văn.
Theo đó, thay vì để con mải mê xem Tiktok, Youtube thì bố mẹ có thể tải những trò chơi bổ ích giúp con học Tiếng Anh, Tiếng Việt, làm Toán... Quan trọng nhất vẫn là bố mẹ phải bên con, đừng phó mặc con với những thiết bị điện tử thông minh”, TS Hồng Thu cho hay.
Phụ huynh giật mình khi Huggy Wuggy đã từ mạng bước ra các cửa hàng thú nhồi bông
Trẻ bị rối loạn ám ảnh khi xem những bộ phim, clip kinh dị không phải chuyện hiếm gặp. Sợ hãi là một tình trạng dễ xảy ra ở trẻ nhỏ vì sự nhận thức chưa đầy đủ.
N. Huyền