Quá tải bệnh viện: Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp gì?
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Hội nghị Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Đề án Giảm quá tải bệnh viện; Chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Khuyến khích đào tạo một số chuyên ngành diễn ra sáng 22/3.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết: thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện triển khai nhiều biện pháp để giảm tải bệnh viện như: tập trung đầu tư xây mới, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng bệnh viện, tăng cường cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh, tăng số phòng khám, số giường bệnh; mở dịch vụ tư vấn và đặt lịch hẹn khám bệnh, tái khám qua điện thoại. Đồng thời ứng dụng CNTT để quản lý bệnh nhân khám ngoại trú…
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giảm tải bệnh viện phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh NL |
Theo con số thống kê, năm 2012, cả nước đã tăng được 11.599 giường bệnh theo kế hoạch và 12.711 giường bệnh thực kê, trong đó bệnh viện tuyến trung ương tăng 1.600 giường bệnh. Số giường bệnh thực kê, bình quân đạt 24,7 giường bệnh/vạn dân; số lượt khám chữa bệnh tăng 6,8% (so với năm 2011) với tổng số 132 triệu lượt người bệnh khám tại các cơ sở bệnh viện; nhu cầu điều trị nội trú tăng 6%; nhu cầu điều trị ngoại trú cũng khá cao ở cả 3 tuyến điều trị, trong đó bệnh viện tuyến trung ương tăng 18%...
Như vậy, công suất sử dụng giường bệnh trên cả hệ thống khám chữa bệnh có giảm nhẹ; mức độ giảm đều của các tuyến bệnh viện dao động từ 1 - 2%; trong đó bệnh viện tuyến trung ương vẫn có công suất sử dụng giường bệnh lớn nhất là 112,5%.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Tại các bệnh viện, tình trạng người dân vạ vật chờ vài tiếng đồng hồ chưa được khám. Ghế không có, quạt thì không, tay bồng tay bế con phải chen chúc, chờ đợi từ sáng đến chiều thậm chí là cả ngày mới được vào để khám trong vài phút.
Bộ trưởng nhấn mạnh tới sự lộn xộn, nhếch nhác ở khoa khám bệnh và khu đón tiếp bệnh nhân. “Khoa khám bệnh là bộ mặt của bệnh viện, nhìn vào đó là biết được sự điều hành, quản lý của ban lãnh đạo bệnh viện đó như thế nào. Muốn đổi mới hình ảnh bệnh viện thì phải đổi mới trước hết ở khoa này. Chúng ta phải tạo ra môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp ngay từ khoa “bộ mặt” của bệnh viện và phải làm quyết liệt để thay đổi diện mạo khoa khám bệnh”.
![]() |
Tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng quá tải, bệnh nhân và người nhà nằm vạ vật khắp nơi rất nhếch nhác và phản cảm. Ảnh NL |
Taị buổi Hội nghị, Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: việc quá tải bệnh viện do 5 nhóm nguyên nhân chính, đó là: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển dân số. Năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới về chuyên môn và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Gánh nặng bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng đồng thời cơ chế tài chính và tác động không mong muốn của một số chính sách…
Vì vậy, theo ông Lương Ngọc Khuê, công tác khám chữa bệnh còn nhiều thách thức: Tình trạng quá tải bệnh viện vẫn là vấn đề nổi cộm trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tiếp tục có xu hướng gia tăng; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh (thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế; thời gian, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều phiền hà...); năng lực chuyên môn tuyến dưới ở một số chuyên khoa còn hạn chế nguồn nhân lực có tay nghề.
Trong những năm tới, Bộ Y tế cũng sẽ có cơ chế chính sách về tài chính, nhân lực tạo điều kiện cho các bệnh viện hoạt động hiệu quả và phát triển hơn. Đồng thời cũng sẽ có quy định về quy trình khám chữa bệnh, tập huấn kỹ năng ứng xử cho các cán bộ y tế nhằm giảm tiêu cực trong bệnh viện, giảm phiền hà cho người dân. Đòng thời, nâng cao năng lực tuyến dưới, chuyển giao gói dịch vụ kỹ thuật. Bên cạnh đó cũng sẽ mở rộng, nâng cấp và xây mới các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cấp một loạt bệnh viện tuyến tỉnh nhằm thu hút người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.