“Quả đấm thép” đấm thủng ngân sách Nhà nước
Các DN Nhà nước đã góp phần vào tăng nợ công của Việt Nam lên tới 140% GDP |
Tại cuộc Hội thảo khoa học “DN Nhà nước - Thành công và những bài học đắt giá” tổ chức ngày 30/6, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế, cho biết các tập đoàn và các Tổng công ty Nhà nước Việt Nam được ví như những “quả đấm thép”. Nhưng những “quả đấm thép” này từ hơn 20 năm nay, ngoài số ít các đơn vị đóng góp tốt cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước, thì số còn lại cũng... đấm mạnh vào chiếc két sắt của ngân sách Nhà nước, gây nhiều lỗ thủng.
Kết quả là đến nay đã làm chiếc két sắt đó gần như trống rỗng, bằng chứng hiển nhiên là Nhà nước đã không còn dư địa để cho phép chi ngân sách năm 2013 đối với việc tăng lương cho công chức nhân viên ở mức dự kiến trước đó.
Một trong những hệ quả mà các “quả đấm thép” gây ra, là việc đầu tư trái ngành và để lại các lỗ thủng là vấn đề thiếu hụt ngân sách.
“Ngay cả ông lớn đóng thuế nhiều cho quốc gia như tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cũng không tránh khỏi sa lầy vào những danh mục đầu tư tài chính và có hàng đống Petro con, cháu là các công ty được lập ra để kinh doanh địa ốc…”, ông Chí chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Oanh, Học Viện Chính trị khu vực II: “Sẽ có việc thoái vốn ngoài ngành ồ ạt của các DN Nhà nước trong tái cấu trúc. Vì riêng EVN đã có đến 18.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành đến năm 2015 phải thoái hết”.
Một phần do tình trạng đình đốn sản xuất và tình trạng đóng băng nhà đất từ năm 2011, nguồn thu ngân sách năm 2013 và cả 2014 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu bội chi vẫn tiếp tục cao do phải “nuôi” nhiều tập đoàn, tổng công ty bằng cách bơm thêm vốn cho nhóm này hoạt động như đầu tư tiếp hay mới, sẽ phải in tiền hay phát hành trái phiếu Chính phủ, mà hậu quả là nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại vài năm tới, tạo áp lực mới cho tỷ giá. Ông Phạm Đỗ Chí cho rằng: “đó là một thứ “thuế lạm phát” thay thế các nguồn thu khác”.
Đã có gần 300.000 DN phá sản tử năm 2011 đến nay và hiện nay nhiều DN vẫn đau đầu với hàng tồn kho chồng chất, không vay được vốn… thì các DN Nhà nước đã đóng góp vào nợ công của Chính phủ lên tới 140% GDP, do đầu tư công dàn trải cao và hoạt động thiếu hiệu quả các các DN Nhà nước từ nhiều năm nay.
Theo TS. Phạm Đỗ Chí, lãi suất đã giảm nhưng gần như chỉ có các DNNN được ưu đãi này. Các món nợ ngân hàng của nhiều DNNN lại thiếu tài sản thế chấp hay nếu có, tài sản đó lại phần lớn thuộc sở hữu Nhà nước. Đây chính là lỗ hổng lớn trong khối nợ xấu và tài sản thế chấp “tồn kho” của hệ thống ngân hàng. Việc xử lý 153.000 tỷ đồng nợ xấu của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là một bài toán quá khó khăn hiện nay.
Vai trò chủ đạo của các DN Nhà nước đang bị nghi ngại trong nền kinh tế khi các “quả đấm thép” đang đấm thủng ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo kiến nghị của TS. Phạm Đỗ Chí, liều thuốc quan trọng cho căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam là cần tái khởi động ngay các DN tư nhân thay vì phân bổ tài chính và nguồn lực cho các DNNN. Tiếp đó là giảm gánh nặng thuế cho DN bằng cách giảm thuế thu nhập DN từ 25% hiện nay xuống còn 20% cho tất cả các DN từ năm 2014.
Song song đó là thực sự tái cấu trúc DN Nhà nước, chế định về minh bạch hóa có giải pháp cổ phần hóa cụ thể hơn; thu hút đầu tư tư nhân vào 432 DN Nhà nước cổ phần hóa trong 02 năm tới.