Phụ nữ bị bạo hành chưa mạnh dạn tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ
Bạo lực gia đình đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ đang là một vấn nạn mang tính toàn cầu, sảy ra ở mọi xã hội, trong đó có Việt Nam.
Hội thảo về khoảng trống trong việc thực thi chính sách với người bị bạo lực giới diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (3-4/12) đã chỉ ra gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Điều đáng quan ngại, có tới 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Thực trạng này đã gây ra những khó khăn trong công tác tiếp cận, giúp đỡ.
Một số nạn nhân có tâm lý cam chịu nêncòn e dè trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.Ảnh minh họa/Nguồn internet |
Tại thành phố Đà Nẵng, chỉ tính trong 2 năm 2011-2012 thông qua đường dây nóng và tiếp xúc trực tiếp tại văn phòng, Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng tiếp nhận 5 trường hợp phụ nữ bị bạo hành.
Nguyên nhân của những trường hợp này thường là do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc người vợ mắc phải ví dụ như say rượu, cờ bạc, trong gia đình có người sa vào nghiện ngập... Tuy nhiên, theo chuyên viên Vũ Duy – tư vấn viên tại Trung tâm thì rượu không phải là nguyên nhân căn bản đưa đến tình trạng bạo lực gia đình, nó chỉ là cái cớ cho những vướng mắc vốn tồn tại từ trước.
Bạo hành thường sảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, người chồng không có việc làm… Tuy nhiên điều này không có nghĩa là giàu có hay được học hành đầy đủ bảo đảm chắc chắn gia đình hòa thuận.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên viên Vũ Duy cho biết 5 trường hợp tìm đến sự trợ giúp từ trung tâm chưa phản ánh đúng thực trạng bạo hành phụ nữ đang diễn ra tại Đà Nẵng. Bên cạnh những trường hợp liên hệ trực tiếp với Hội liên hiệp phụ nữ Đà Nẵng nhờ giúp đỡ còn một số người do tâm lý e ngại, sợ người khác biết nên không tìm đến nhờ can thiệp, giúp đỡ.
“Một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng” nên còn e dè trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công”, ông Duy nhận định.
Để giải quyết được tình trạng này theo chuyên viên Vũ Duy cần phải áp dụng tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó phòng ngừa là chủ yếu. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội.
Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Hoạt động truyền thông cần nêu rõ nguyên nhân bạo lực gia đình là sự bất bình đẳng giới, là tư tưởng 'trọng nam khinh nữ', phân biệt địa vị, vai trò của người phụ nữ và nam giới trong gia đình.
Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Nó đòi hỏi các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.