Phó Chủ tịch Cengroup cảnh báo dự án chung cư khó bán hơn trong năm 2018
Năm 2018 sẽ chứng kiến sự xuất hiện xu hướng toàn cầu hóa bất động sản, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước hội nhập về thị trường BĐS rất cao… |
Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) năm 2017, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup cho rằng, đây là một năm thị trường BĐS có diễn biến tương đối bình ổn, không có sự đột phá, đặc biệt là thị trường nhà ở. Năm 2017 ghi nhận cao nhất là bất động sản công nghiệp và thương mại, đã có sự tăng trưởng rất ngoạn mục, tăng giá cũng như tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại, các khu công nghiệp tăng rất cao.
Tuy nhiên, 2017 cũng ghi nhận một năm tương đối khó khăn về nhà ở, đặc biệt là khi nguồn cung đã tăng lên rất cao trong thời gian qua, gấp 4 - 5 lần, dẫn đến sự cạnh tranh rất rõ rệt trong từng phân khúc.
“Điều đó làm cho các chủ đầu tư và các dự án trong tương lai cần phải định vị rõ lợi thế của từng dự án trong sản phẩm của mình, không thể như những năm trước đây, nguồn cung tương đối cân bằng, dự án ra có thể bán được ngay. Thời điểm hiện nay đã khác, đó là khó khăn có thể cảnh báo trong năm 2018. Do đó, đối với BĐS nhà ở, các chủ đầu tư phải hết sức lưu tâm”, ông Hưng nói.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup: Thời điểm hiện nay đã khác, đó là khó khăn có thể cảnh báo trong năm 2018.. Ảnh: Minh Thư |
Chưa hết, ông Hưng còn đánh giá, 2017 là năm thành công với đất nền khi bản thân Cengroup cũng đã đầu tư một số dự án ở khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam hay ở KĐT Bình Chánh (TP HCM)… đều thu hút lượng khách hàng rất cao, lượng giao dịch khủng.
“Khi thị trường BĐS nóng lên, đất nền các tỉnh sẽ là nơi nóng cuối cùng nhưng khi nguội thì lại nguội trước tiên. Vì thế, khi đất nền lên giá tức là đang ở chu kỳ chín muồi của chu kỳ BĐS. Đất nền sốt sau cùng vì đó là những công cụ đầu tư rất dài hạn. Nó rất khác với chung cư, nhà xây sẵn bởi chung cư khách mua để ở rất cao, còn đất nền khách hàng mua để đầu tư, lướt sóng sinh lời lại là chủ yếu. Khi quỹ đất không còn nhiều thì việc đất nền lên giá trong chu kỳ BĐS có thể diễn ra”, ông Hưng nói.
Chính vì thế, theo ông Hưng, đầu tư đất nền có tính chu kỳ rõ rệt, khi đầu tư trong cùng chu kỳ, đầu tư ngắn hạn thì cần tìm cách thanh khoản nhanh, muốn vậy cần nắm bắt được quy luật của nó. Chẳng hạn đất nền sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, cùng sự lan tỏa theo “vết dầu loang” của những khu đô thị mới, khu vực đô thị hóa.
Dự báo về sự phát triển của thị trường BĐS trong năm 2018, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup cho hay, năm 2018 được đánh giá là năm có nhiều kỳ vọng, là năm bản lề cho nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta đã chính thức thực hiện thỏa thuận và cam kết đầy đủ trong WTO, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chờ đợi điều này từ rất lâu.
Các nhà đầu tư trong nước mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên nhưng dường như không phải ai cũng sẵn sàng cho việc chính thức mở cửa thị trường Việt Nam vào năm 2018, đặc biệt đối với vấn đề về thuế liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu.
“Năm 2018 sẽ chứng kiến sự xuất hiện xu hướng toàn cầu hóa BĐS, bao gồm cả 2 yếu tố nhà đầu tư trong nước ra mua nhà nước ngoài và người nước ngoài vào mua nhà, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành một đất nước hội nhập về thị trường BĐS rất cao. Trước đây chúng ta nghĩ rằng không thể hội nhập thì bây giờ chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng đó trong 2 - 3 năm tới. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến trào lưu về xuất khẩu tại chỗ đối với BĐS để thu những đồng ngoại tệ từ chính những khách hàng cá nhân, chứ không phải riêng các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức FDI”, ông Hưng nhận định.
Song, khi thị tường BĐS Việt Nam đã chính thức hội nhập quốc tế, chính thức mở cửa thì ông Hưng cho rằng, đây là cuộc chơi rất quyết liệt, sòng phẳng với những tiềm lực kinh tế; những dự án tỷ đô có vẻ rất xa xôi trước kia thì bây giờ nó không còn thiếu nữa sẽ khiến thị trường khởi sắc nhưng đồng thời cũng gây áp lực lên các chủ đầu tư trong nước.
Với việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Hưng phân khúc trung và cao cấp cũng sẽ nổi lên. Các khách hàng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đầu tư sang những nước phát triển cũng làm cho giá BĐS của những nước đó bị kéo theo.
Khách hàng Đức, Anh, Nhật Bản cũng quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam khi tỷ lệ tìm kiếm rất cao. Người giàu mua BĐS trong nước sẽ khó có thể làm cho BĐS trong nước tăng giá, nên chủ đầu tư sẽ đón lõng đối tượng khách hàng nước ngoài có thu nhập cao.